Ninh Bình ban hành kế hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cập nhật: 23/08/2017
(TITC) – Ngày 14/8/2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Kết luận số 03-KL/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Kế hoạch xác định mục tiêu là đổi mới tư duy phát triển du lịch, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, từ đó huy động và phát huy sự tham gia góp sức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng đến phát triển du lịch bền vững; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách.

Tạo sự đột phá về phát triển sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch, định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững; tăng cường huy động xã hội hóa; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2020 Ninh Bình sẽ đón 7,5 triệu lượt khách du lịch trở lên (trong đó có 0,8 triệu lượt khách quốc tế); tổng thu từ du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tạo việc làm cho trên 20.000 người lao động, trong đó có trên 6.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đến năm 2030 du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Ninh Bình.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, kế hoạch đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững trong tình hình mới theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch; Tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phát triển du lịch; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Trước đó, vào tháng 4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình về tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Trong buổi làm việc, Thủ tướng đã gợi mở tầm nhìn về phát triển cho tỉnh, đó là cần quyết tâm xây dựng Ninh Bình thành tỉnh giàu có toàn diện, dựa trên nền tảng phát triển trung tâm du lịch độc đáo, tầm cỡ khu vực và quốc tế, đại diện xứng đáng cho thương hiệu du lịch Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch phải trở thành động lực phát triển của tỉnh, cần phải xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình rõ nét hơn nữa và hướng đến mục tiêu: Đến Việt Nam không thể không đến Ninh Bình.

Hương Lê