Kết thúc Khoá họp lần thứ 22 Đại hội đồng Tổ chức Du lịch Thế giới
Cập nhật: 18/09/2017
(TCDL) - Ngày 16 tháng 9 năm 2017, Khoá họp lần thứ 22 Đại hội đồng Tổ chức Du lịch Thế giới tại Thành Đô, Trung Quốc, đã kết thúc tốt đẹp. Đại diện của các quốc gia tham dự Khoá họp lần thứ 22 đã thống nhất thông qua Tuyên bố Thành Đô về “Du lịch và các mục tiêu phát triển bền vững: Hành trình đến 2030”. Tuyên bố đưa ra các khuyến nghị với chính phủ, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, nội dung như sau:

1. Các chính quyền trung ương và địa phương cùng các chủ thể liên quan cần có cách tiếp cận tích hợp và toàn diện trong xây dựng chính sách du lịch tăng cường tác động tích cực của du lịch và nhân rộng tác động đối với con người, hành tinh và sự thịnh vượng, qua đó, tận dụng giá trị của du lịch là ngành đóng góp chính cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững;

2. Đánh giá kịp thời và có hệ thống các tác động kinh tế, môi trường và xã hội của du lịch tại điểm đến là cần thiết nhằm hỗ trợ việc quyết định chính sách có căn cứ và sử dụng hiệu quả các thông tin sơ cấp trong hoạch định chính sách các cấp;

3. Các chính quyền trung ương và địa phương cùng các chủ thể liên quan cần tiến hành các đánh giá về đóng góp và cam kết của ngành du lịch đối với các mục tiêu phát triển bền vững ở cả cấp độ trung ương và địa phương; đảm bảo lồng ghép du lịch vào các Ủy ban liên ngành và/hoặc các nhóm Công tác về các mục tiêu phát triển bền vững;

4. Các chính quyền trung ương và địa phương cùng các chủ thể liên quan cần nâng cao sự đóng góp của du lịch vào các chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thiết lập khung thể chế và cơ chế cho phép sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan ở tất cả các cấp, bao gồm cả khu vực tư nhân và cộng đồng sở tại vào quá trình xây dựng cơ chế và thể chế;

5. Sự hợp tác giữa tất cả các chủ thể chính - chính quyền các cấp trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và cộng đồng - là rất quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững thông qua du lịch. Do đó, cần phải có nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về giá trị của quan hệ đối tác như một công cụ thực hiện việc thúc đẩy phát triển bền vững và hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững;

6. Hưởng ứng chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững đến năm 2030 và sau đó cần xác định và ủng hộ các cách tiếp cận quy hoạch du lịch hướng đến nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên của các chủ thể du lịch. Các cách tiếp cận như kinh tế tròn – quảng bá các mô hình kinh doanh dựa vào tài nguyên có thể tái tạo, các chu kỳ sản phẩm dài hơn và phong phú hơn, tiêu dùng chia sẻ, chuỗi giá trị liên kết – có thể đóng vai trò quan trọng khi thiết kế và cải thiện các hệ thống quản lý tài nguyên không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà còn trong phát triển bền vững các điểm đến;

7. Các chính quyền trung ương và địa phương cùng các chủ thể liên quan cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch và có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hành động phù hợp với Bộ Quy tắc ứng xử toàn cầu trong du lịch và thúc đẩy các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà có thể đóng góp cho toàn bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, cũng như giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và xây dựng tài liệu hướng dẫn về liên kết giữa du lịch và các mục tiêu phát triển bền vững;

8. Các chính phủ và UNWTO cần đảm bảo đo lường hiệu quả các chỉ số của du lịch đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã được thống nhất nhằm đánh giá tác động đầy đủ của du lịch ở cấp độ quốc gia và địa phương phù hợp với Sáng kiến ​đo lường ​du lịch bền vững của UNWTO đã được đưa ra trong Tuyên bố Manila 2017 và các hoạt động của Mạng lưới các quan sát viên du lịch bền vững quốc tế (INSTO);

9. Các chính quyền trung ương và địa phương cùng các chủ thể liên quan cần đảm bảo có các thay đổi cần thiết trong chính sách, thông lệ và hành vi kinh doanh nhằm tối đa hóa sự đóng góp của du lịch vào phát triển bền vững và toàn diện theo luật và quy định của quốc gia;

10. Các chính quyền trung ương và địa phương cùng các chủ thể liên quan khác cần tăng cường đổi mới sản phẩm du lịch, mô hình kinh doanh và quản lý, chia sẻ công khai các kinh nghiệm phù hợp, đẩy mạnh việc chuyển đổi và nâng cấp ngành du lịch để tăng cường đóng góp của ngành du lịch vào Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững;

11. Các chính phủ và UNWTO cần tăng cường các nỗ lực huy động nguồn lực cho du lịch và các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua việc xây dựng và phát triển các cơ chế tài chính mang tính đổi mới, bao gồm các cơ sở hạ tầng tài chính phù hợp với các dự án du lịch liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững - như tạo ra các cơ chế phát triển du lịch của UNWTO, ban hành các chính sách ưu đãi và chính sách có ảnh hưởng đến hành vi của các doanh nghiệp du lịch và các nhà đầu tư, tăng cường hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân, ví dụ như sự đóng góp của Sáng kiến ​​Con đường và Vành đai cho ngành du lịch;

12. Các chính quyền trung ương và địa phương cùng các chủ thể liên quan cần hợp tác và khai thác sức mạnh của quan hệ đối tác công - tư trong du lịch, qua đó, nâng cao sức cạnh tranh thị trường, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại điểm đến và quốc gia; 

13. Cộng đồng các nhà tài trợ toàn cầu cần nhận thấy những tác động to lớn của du lịch đến tất cả các khía cạnh của phát triển bền vững và đến tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường hỗ trợ cho du lịch bền vững;

14. Chính phủ, Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính, các quỹ từ thiện và khu vực tư nhân cần tăng cường hỗ trợ tài chính cho các cơ sở hạ tầng du lịch, quy hoạch và đào tạo du lịch;

15. Các chính quyền trung ương và địa phương cùng các chủ thể liên quan ủng hộ tăng trưởng xanh và bao trùm trong phát triển du lịch và thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ giúp cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và tránh tăng trưởng kinh tế dựa vào sử dụng tài nguyên và làm suy thoái môi trường;

16. Chính phủ, Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và các tổ chức học thuật cần hỗ trợ các chương trình, chiến lược và kinh nghiệm tận dụng lợi thế của du lịch như một phương tiện để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia và địa phương;

17. Các tổ chức học thuật cần thúc đẩy nghiên cứu về mối quan hệ nội tại nhưng phức tạp giữa du lịch và các mục tiêu tăng trưởng bền vững và xây dựng các hướng dẫn và khuyến nghị cho chương trình giáo dục mới nhằm tăng quyền cho thanh niên trong việc thúc đẩy tiến bộ hướng tới năm 2030 và sau đó;

18. Chính phủ, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cần hỗ trợ tăng cường hợp tác Bắc-Nam, Nam-Nam và tam giác hợp tác trong du lịch và tăng cường năng lực phát triển du lịch của các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất;

19. UNWTO nên tiếp tục làm việc với tất cả các bên liên quan để thúc đẩy đóng góp của du lịch vào việc đạt được Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững và SDGs trong các lĩnh vực hoạt động của mình;

20. Tất cả các bên liên quan cần ghi nhận và, nếu có thể, thúc đẩy du lịch như là một công cụ hữu hiệu để nuôi dưỡng sự tôn trọng, khoan dung và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hoá và góp phần xây dựng văn hoá hòa bình và đối thoại giữa các nền văn minh;

21. Tất cả các bên liên quan cần tiếp tục lồng ghép du lịch và các mục tiêu phát triển bền vững vào các chính sách, sáng kiến, dự án và nghiên cứu liên quan nhằm thúc đẩy vai trò của du lịch trong việc tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và hành tinh;

Khoá họp lần thứ 23 Đại hội đồng UNWTO sẽ được tổ chức tại Saint Petersburg, Nga vào năm 2019.

Vụ Hợp tác quốc tế