Ninh Bình phát triển bền vững mô hình du lịch cộng đồng
Cập nhật: 21/09/2017
Mô hình du lịch cộng đồng hay còn gọi là du lịch homestay tại tỉnh Ninh Bình được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao. Nhằm phát triển bền vững mô hình du lịch này, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để quản lý, hỗ trợ, góp phần quảng bá du lịch và tăng thu nhập cho người dân.

Ninh Bình không chỉ được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh mà còn giàu tiềm năng du lịch văn hóa. Tận dụng lợi thế về tiềm năng, thế mạnh, nhiều sản phẩm du lịch tại địa phương đã phát triển mạnh mẽ, trong đó dịch vụ du lịch cộng đồng được người dân đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 gia đình làm du lịch cộng đồng ở 8 huyện, thành phố.

Ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, loại hình du lịch homestay bắt đầu hình thành từ năm 2005 khi du khách đến tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn) và có nhu cầu lưu trú tại nhà dân. Từ đó đến nay, loại hình du lịch này đã được nhân rộng trên địa bàn huyện. Hiện, toàn huyện có 23 hộ kinh doanh homestay. Những năm trở lại đây, các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Viễn đã thu hút trên 2 triệu lượt khách đến tham quan, tăng gấp 20 lần so với năm 2005.

Ninh Bình đang chú trọng đẩy mạnh quảng bá du lịch homestay.
Ảnh minh họa: TTXVN

Tại huyện Hoa Lư, mô hình du lịch homestay đã giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh các dịch vụ ăn, ngủ, du khách còn được tham gia các hoạt động của gia đình như trải nghiệm cấy lúa, bắt tôm, cá. Nhiều gia đình còn kết hợp bán một số mặt hàng địa phương làm quà lưu niệm như: cơm cháy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan. Giá phòng homestay tại đây ổn định, mỗi tối du khách nghỉ chỉ mất khoảng 70.000 - 150.000 đồng/người.

Ông Nguyễn Ngọc Súy, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cho biết: Trước đây, địa phương chỉ có một số gia đình làm du lịch cộng đồng. Vài năm trở lại đây, mô hình du lịch này phát triển mạnh, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm. Năm 2016, huyện đã đón trên 4 triệu lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2014. Đến nay, toàn huyện có 18 hộ làm du lịch cộng đồng, 10 hộ đang cải tạo lại diện tích nhà ở, đầu tư cơ sở vật chất làm du lịch.

Tuy nhiên, loại hình kinh doanh homestay vẫn còn nhiều hạn chế do nguồn vốn hạn hẹp, các hộ chỉ đầu tư cơ sở vật chất quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình, đầu tư kinh doanh mang tính tự phát. Nhiều hộ sử dụng phòng ngủ của gia đình để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, hầu hết lao động trong gia đình tham gia làm homestay chưa được đào tạo nghiệp vụ về du lịch và ngoại ngữ. Lao động có kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ chiếm tỷ lệ rất thấp.

Để quản lý và phát triển du lịch cộng đồng, hàng năm UBND huyện Hoa Lư phối hợp với các cơ quan chức năng mở lớp tập huấn về kiến thức du lịch, văn hóa ứng xử đối với du khách cho người dân đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp khai thác du lịch trên địa bàn đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về du lịch địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn. Huyện đã kiến nghị UBND tỉnh quy hoạch làng du lịch cộng đồng nhằm phát triển loại hình du lịch cộng đồng bền vững, tránh việc để người dân xây dựng, kinh doanh trái phép trên vùng lõi và vùng đệm của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Mô hình du lịch homestay đã giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh minh họa: TTXVN

Trưởng Phòng Du lịch, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Nguyễn Khắc Khoan cho biết, cùng với lợi thế về tiềm năng, thế mạnh du lịch của Ninh Bình, hoạt động và tốc độ phát triển du lịch cộng đồng cũng không ngừng tăng lên. Để mô hình du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, chính quyền và nhân dân Ninh Bình xác định lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa để thu hút khách du lịch.

Thời gian tới, ngành Du lịch địa phương sẽ tiếp tục phát triển loại hình du lịch homestay theo hướng khuyến khích các hộ dân trên địa bàn đầu tư phát triển nhà ở có phòng cho khách du lịch theo quy hoạch phát triển du lịch đã được duyệt. Đặc biệt, việc phát triển loại hình kinh doanh homestay phải đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, góp phần tham gia bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, tạo việc làm, có thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trong cộng đồng địa phương góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch; thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, phục vụ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tỉnh chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương đối với lĩnh vực du lịch; phục hồi các làng nghề truyền thống, sinh hoạt, văn hóa của địa phương, lồng ghép với loại hình du lịch homestay….

Hải Yến

dantocmiennui.vn