“Tiếp lửa” cho văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Cập nhật: 23/10/2017
Mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho các em đang ở độ tuổi học sinh là phương án mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum vừa tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn.

Văn hóa cồng chiêng ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum trong những năm gần đây đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt, qua các không gian biểu diễn lễ hội của người đồng bào như Bana, Ê Đê, Xê Đăng, Rơ Ngao,...

Thể hiện cho du khách trong nước cũng như các đoàn du lịch quốc tế thấy được nét đẹp, vừa tự nhiên, vừa giản dị, phù hợp với văn hóa của người Việt Nam.

Văn hóa Cồng Chiêng đang được các Đoàn thể xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum cùng chung tay, góp sức nhằm xây dựng một nền văn hóa độc đáo, có tính gắn kết với các tộc người đồng bào đóng chân nơi đại ngàn.

Nhận thức được giá trị văn hóa cồng chiêng, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nhiều nghệ nhân trong làng mở lớp truyền dạy cho các em nhỏ người đồng bào. Em Y Sầu Riêng (HS lớp 8A,Trường THCS Trần Khánh Dư, TP Kon Tum) cho biết: “Cứ mỗi sáng thứ 6,7 hàng tuần em và các bạn nhỏ tới nhà rông để được các chú nghệ nhân của làng hướng dẫn múa xoang với những bài hát về cồng chiêng rất hay. Em rất thích múa xoang vì phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc”.

Đã không ít lần, chúng tôi chứng kiến được những ngày hội về văn hóa cồng chiêng. Nhiều em nhỏ người đồng bào, đến nhiều làng trong TP Kon Tum với những bộ trang phục choàng và khối khiến người xem vừa có cảm giác “nhí nhảnh”, vừa hình dung được cuộc sống của người đồng bào có nhiều điểm văn hóa độc đáo, có tính gắn kết cộng đồng.

Các em nhỏ học sinh đang tái hiện lại đời sống của người đồng bào dân tộc đã và đang sinh sống ở Kon Tum.

Có nhiều tiết mục như múa hát, nhảy sạp, đánh trống, thổi sáo… Cùng nhiều nhạc cụ do chính tay các thế hệ người làng đi trước tạo dựng và bây giờ được truyền lại. Em Y Yu Lét (Lớp 5A, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, TP Kon Tum, Kon Tum) nói: “Em rất vui khi được múa xoang, ở nhà khi được ông bà, cha, mẹ, anh chị chỉ cách cho em múa xoang, ở trường thì được các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn để biết múa xoang góp phần lưu truyền văn hóa dân tộc của người Ba Na”.

Nói về Văn hóa cồng chiêng, Thầy giáo Hoàng Văn Ba - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, TP Kon Tum cho hay: “Nhà trường dạy cho các em học sinh biết đánh cồng chiêng. Việc duy trì sỹ số học sinh, nhằm nâng cao chất lượng trong dạy học của nhà trường, hơn nữa là nét văn hóa của người đồng bào sẽ luôn được bảo tồn và phát huy”.

Nhiều nhạc cụ được các bạn nhỏ chơi nhuần nhuyễn đến “ríu tai” khiến người xem không khỏi rời mắt.

Mở các lớp diễn tấu công chiêng cho các thế hệ trẻ là một trong những vấn đề rất quan trọng; Bởi vì, lớp trẻ hiện nay có thể nói rằng là nhiều luồng văn hóa trong đó có nhạc cụ truyền thống, nhạc cụ hiện đại… Nên việc duy trì văn hóa cồng chiêng của người đồng bào trên địa bàn tỉnh Kon Tum là rất cần thiết, mang lại nét đẹp riêng, cần được lên phương án bảo tồn và phát huy.

Ông Phan Văn Hoàng - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết thêm: “Đối với ngành trong nhiều năm qua đã tham mưu cho UBND tỉnh, ban hành đề án bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh và trong đề án cũng đã có các biên pháp như mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng.

Những biện pháp truyền dạy này chính là những người dân, nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng thì họ sẽ dạy lại các lớp trẻ ở trong làng của minh để mà họ biết diễn tấu về cồng chiêng”.

Tiến Nhuệ

phapluatxahoi.vn