Quy hoạch du lịch Ninh Bình cần lấy tâm điểm là Quần thể danh thắng Tràng An
Cập nhật: 03/11/2017
(TITC) – Đây là chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn tại cuộc họp góp ý cho báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 diễn ra sáng ngày 2/11/2017, tại Hà Nội.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cùng lãnh đạo các Vụ, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Du lịch; và đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình.

Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Du lịch Ninh Bình chủ trì và Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) thực hiện. Quy hoạch được xây dựng phù hợp với các Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đồng thời phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2011-2020; phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Việc xây dựng quy hoạch được đánh giá là rất quan trọng nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch Ninh Bình bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xứng đáng với vị trí và vai trò trong tổng thể du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc cũng như của cả nước.

Nội dung chủ yếu của Quy hoạch là xác định vị trí, vai trò và lợi thế của du lịch Ninh Bình trong tổng thể phát triển du lịch của vùng và cả nước cũng như trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời phân tích, đánh giá tiềm năng các nguồn lực và hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình. Quy hoạch cũng xác định quan điểm, mục tiêu, tính chất quy mô phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó là xây dựng định hướng không gian du lịch, định hướng phát triển thị trường và sản phẩm du lịch, định hướng về đầu tư, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch; xác định danh mục các khu vực, dự án ưu tiên đầu tư; đề xuất các giải pháp phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình theo các định hướng phát triển…

Tại cuộc họp các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cho báo cáo Quy hoạch liên quan tới từng nội dung cụ thể như: việc đánh giá tài nguyên; định hướng mục tiêu về lượng khách và số lượng cơ sở lưu trú; xác định vai trò của từng đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch ở địa phương; xác định sản phẩm nổi bật; tập trung phát triển thương hiệu; nghiên cứu và định hướng thị trường khách mục tiêu…

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn ghi nhận sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong việc xây dựng báo cáo Quy hoạch. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng yêu cầu báo cáo cần có chiều sâu hơn nữa, cần thể hiện được sự khác biệt và phải có sự đột phá, có tính khả thi. Theo đó, khi đánh giá về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế của Ninh Bình thì tâm điểm phải là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An – điểm đến quan trọng cốt lõi và bước đầu đã được hình thành thương hiệu.

Bên cạnh đó, cần xem xét sự thuận lợi của Ninh Bình về hạ tầng và khả năng kết nối với các trung tâm lớn dọc tuyến Bắc Nam cũng như hạ tầng nội tuyến. Về thị trường khách, Ninh Bình cần xác định khách du lịch nội địa là thị trường hàng đầu và nghiên cứu thêm một số thị trường quốc tế trọng điểm như Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean… Về sản phẩm du lịch, cần xác định rõ một số sản phẩm chủ đạo như du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh dựa trên các giá trị tài nguyên của khu danh thắng Tràng An – Bái Đính.

Tổng cục trưởng nhấn mạnh, Quy hoạch cần tạo ra được sản phẩm, thương hiệu khác biệt có tính cạnh tranh cho Ninh Bình, đồng thời liên kết chặt chẽ trong tam giác phát triển Hạ Long - Ninh Bình - Hà Nội.

Giải pháp cần thiết cho Ninh Bình trong giai đoạn tới là cần có cơ chế chính sách tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược; thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương; chú trọng việc quản lý điểm đến; tăng cường các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu; ứng dụng du lịch thông minh; và quản lý môi trường du lịch.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu chọn lọc ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp và tham vấn thêm ý kiến của các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện báo cáo Quy hoạch.

Tin, ảnh: Thanh Tâm