Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch”
Cập nhật: 22/12/2017
(TITC) - Ngày 22/12/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch” nhằm thảo luận, tìm ra hướng đi, giải pháp cụ thể và xác định rõ trách nhiệm các bên thực hiện trong cơ cấu lại ngành du lịch, góp phần phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất  nước. 

Các đại biểu tham dự và chủ trì hội thảo

Tham dự hội thảo có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cùng các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ; đại diện các cục, vụ, viện chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch; các sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số tỉnh, thành; các doanh nghiệp du lịch cùng sự góp mặt của nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà điều hành, nhà đầu tư về du lịch và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, du lịch Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh hết sức sôi động với nhiều thay đổi và xu hướng mới. Ngành Du lịch đang được Đảng và Nhà nước quan tâm và có nhiều chỉ đạo để đẩy mạnh phát triển. Tháng 1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 08. Ngày 19/6/2017, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) sau 10 năm ban hành và triển khai, tạo khung pháp lý hoàn thiện, thuận lợi cho du lịch phát triển trong thời kỳ hội nhập. Ngày 9/11/2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 4215 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 103 của Chính phủ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, năm 2017 ghi dấu sự tăng trưởng của ngành Du lịch với nhiều kết quả tích cực. Lượng khách quốc tế đến ước đạt khoảng 13 triệu lượt, tăng khoảng 30% so với năm 2016; khách du lịch nội địa ước đạt 74 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 500.000 tỷ đồng. Du lịch Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch, có nhiều doanh nghiệp, điểm đến nhận được danh hiệu danh giá của giải thưởng du lịch toàn cầu. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, được triển khai tốt và trở thành điểm sáng, ngày càng đóng góp nhiều hơn vào GDP.

Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và kỳ vọng của xã hội, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần được khắc phục, trong đó nhấn mạnh cơ cấu ngành Du lịch còn chưa hợp lý và cần được tái cấu trúc lại. Theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, vấn đề cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, vận hành theo quy luật thị trường là một trong 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được đề ra nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. 

TS. Đỗ Cẩm Thơ – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Tổng cục Du lịch) giới thiệu đề án tái cơ cấu ngành Du lịch

Tại hội thảo, TS. Đỗ Cẩm Thơ – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Tổng cục Du lịch) đã giới thiệu những nội dung cơ bản của đề án tái cơ cấu lại ngành Du lịch. Theo đó, các nội dung cần cơ cấu lại bao gồm: Cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch; Điều chỉnh hướng phát triển sản phẩm du lịch; Điều chỉnh định hướng thị trường du lịch; Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; Cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch; Cơ cấu lại về tổ chức, quản lý ngành Du lịch.  

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện đề án tái cơ cấu lại ngành Du lịch. TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã đề xuất một số giải pháp trước mắt trong giai đoạn 2018 – 2020 về tái cơ cấu ngành Du lịch như: đổi mới và đa dạng hóa phương thức xúc tiến du lịch theo mục tiêu cụ thể; thu hút các công ty lữ hành quốc tế vào trải nghiệm du lịch ở Việt Nam; ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch phục vụ khách quốc tế; khai thác tối đa tiềm năng các thị trường, trong đó tập trung nguồn lực thu hút khách du lịch từ thị trường châu Âu, Hoa Kỳ; xem xét miễn visa cho khách du lịch từ thị trường tiềm năng, giảm phí và đơn giản hóa thủ tục cấp visa cho công dân các quốc gia khác; rà soát các quy định pháp luật về du lịch và dịch vụ liên quan; tuyên truyền, giải thích ý nghĩa, tầm quan trọng của kết nối, hợp tác, chia sẻ lợi ích giữa các đối tác trong chuỗi dịch vụ du lịch trong phát triển du lịch nói chung và lợi ích của các bên nói riêng; nghiên cứu, đề xuất thành lập hội đồng quốc gia về phát triển du lịch thành ngành kinh tế chiến lược.

Toàn cảnh hội thảo

TS. Lương Hoài Nam – Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines trong tham luận “Tái cơ cấu ngành Du lịch - Để thành công, phải đồng bộ” cho rằng tái cơ cấu ngành Du lịch thì yếu tố cốt lõi đầu tiên là phát triển các sản phẩm du lịch. Trong đó có thể đầu tư phát triển một số sản phẩm như công viên dạng Disneyland, Universal Studios, cải thiện hệ thống bảo tàng, du lịch lịch sử chiến tranh, du lịch golf, du lịch thủy phi cơ, du lịch mua sắm, mảng du lịch “Ngôi nhà thứ hai”.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty du lịch Vietravel, một trong những giải pháp trong tái cơ cấu ngành Du lịch là cần có chính sách nhất quán và dự báo được xu thế dài hạn trong công tác quy hoạch phát triển du lịch để tập trung nguồn lực đầu tư, tránh đầu tư dàn trải và đầu tư một cách cầm chừng, tạm thời. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đề án cần tập hợp nhiều ý kiến phản biện từ đủ các đối tượng liên quan trực tiếp để nhanh chóng hoàn chỉnh và đưa vào triển khai. Các cơ quan quản lý ngành tại địa phương cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để giảm nạn chèo kéo, cướp giật và vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngoài ra, cần biên soạn tài liệu và tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền phát triển du lịch cộng đồng.

Đại diện Tập đoàn FLC, bà Vũ Đặng Hải Yến mong muốn các ban, ngành chức năng có tiêu chí chính xác về phát triển du lịch bền vững; sự hỗ trợ của truyền thông trong việc giúp doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển bền vững...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng đề án tái cơ cấu ngành Du lịch nhất thiết phải nêu được một số điểm nóng, vấn đề nóng và có lộ trình tập trung giải quyết dứt điểm, trong đó tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp, nguồn nhân lực gắn với hệ thống đào tạo, hệ thống quản lý nhà nước, thị trường du lịch. Theo ông Bình, đề án nên định hướng hình thành những sản phẩm du lịch quốc gia gắn với khu du lịch trọng điểm, từ đó có kế hoạch đầu tư dài hạn, bài bản ngay từ đầu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu kết luận hội thảo

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu tham dự hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tổng kết 5 yếu tố chính trong cơ cấu ngành Du lịch là: Cơ cấu về thị trường khách du lịch hướng đến các nhu cầu nghỉ dưỡng biển cao cấp, trải nghiệm thụ hưởng giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam, giải trí thể thao cao cấp thông minh, khám phá sinh thái độc đáo. Cơ cấu sản phẩm du lịch hướng theo chuỗi giá trị cung ứng du lịch, có tính sáng tạo, thương hiệu và thân thiện. Cơ cấu nguồn lực để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Cơ cấu nguồn nhân lực quyết định các vấn đề theo mục tiêu đặt ra. Cơ cấu quản lý nhà nước, thể chế chính sách, tạo ra khung pháp lý khuyến khích sáng tạo trong du lịch.

Thực hiện: Lam Phương - Vũ Trình