Thủ tướng: Hướng đột phá của Huế vẫn phải là du lịch, dịch vụ
Cập nhật: 03/01/2018
Chiều 2/1, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các thành tích mà Thừa Thiên - Huế đạt được. Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận tỉnh phát triển ở dưới mức tiềm năng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo Thủ tướng, Thừa Thiên – Huế có thế mạnh rất lớn về kết cấu hạ tầng, có thể phát triển du lịch dịch vụ mạnh hơn, phát triển kinh tế biển đóng góp nhiều hơn. Kinh tế rừng, công nghiệp chế biến có những định hướng rõ hơn nhưng chưa tạo được đột phá cần thiết. Môi trường đầu tư ở mức trung bình. Một số dự án lớn còn chậm tiến độ.

“Lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện phải có tầm nhìn, phải có trách nhiệm hơn, sát dân, sát cơ sở hơn, lo lắng công việc nhiều hơn, giải quyết vướng mắc kịp thời hơn cho người dân và doanh nghiệp để tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn của tỉnh nhà”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, Huế có tiềm lực ít có nơi nào sánh được, là vùng đất của văn hóa lịch sử Việt Nam, là một “Kyoto của Việt Nam”. Nằm trong vùng dày đặc di sản văn hóa và di sản thiên nhiên như Hội An, Đà Nẵng, Phong Nha, Sơn Đoòng, Mỹ Sơn… bản thân Huế cũng là một thành phố di sản với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, thắng cảnh kỳ vỹ ít nơi nào sánh kịp như Vịnh Lăng Cô, Bạch Mã.

Với những đặc điểm như thế, Huế nên tận dụng thế mạnh là văn hóa lịch sử, vẻ đẹp bình an, lãng mạn, để phát triển như lời một bài hát là “vẻ đẹp Huế có nơi nào sánh được”. Hướng phát triển đó phải khác với mô hình của thành phố sôi động như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thủ tướng đặt vấn đề.

Để giữ được đất Huế cổ kính và hai bờ sông Hương được bảo tồn, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần phải có quy hoạch tốt và quản lý tốt quy hoạch. Huế được hiện đại hóa nhưng hài hòa trong tổng thể.

Hướng đột phá của Huế vẫn phải là du lịch, dịch vụ và các liên kết kinh tế. Cần một hệ sinh thái các ngành nghề hỗ trợ du lịch và làm bài bản, chuyên nghiệp có chiều sâu, làm sao để du khách đến Huế lưu lại dài ngày hơn.

Trong thời gian tới, tỉnh cần phát triển các loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, kinh tế hợp tác, hợp tác xã, đặc biệt các làng nghề truyền thống. Cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phát triển du lịch và quản lý di tích.

Huế phải đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là từ tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Muốn làm được điều đó thì cần có cơ chế chính sách thông thoáng, nhất quán, hấp dẫn. “Phải làm mạnh mẽ nhưng chặt chẽ, dám nghĩ dám làm để phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với một người nước ngoài tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trong năm 2018, Thủ tướng đề nghị Thừa Thiên - Huế phải có chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, chệch hướng, chống làm việc cầm chừng và sắp xếp lại bộ máy hiệu lực, hiệu quả, hành động mạnh mẽ, đồng bộ.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh cần có các hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng, hộ nghèo và phải bắt tay ngay vào việc, hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018 với chất lượng cao nhất.

Được biết cũng nhân dịp này, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hường, phường Xuân Phú và Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hiệp, phường Trường An, thành phố Huế; đến tham quan Trung tâm hành chính công tỉnh.

Lê Chung

toquoc.vn