Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Cập nhật: 09/01/2018
(TITC) – Ngày 27/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2098/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Khu du lịch quốc gia Núi Sam trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh.

Miếu Bà Chúa Xứ tại Núi Sam

Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia (Khu DLQG) Núi Sam thuộc địa phận phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Phía Đông Bắc giáp phường Châu Phú A, phía Đông Nam giáp phường Châu Phú B, phía Tây Bắc giáp kênh Vĩnh Tế, phía Tây Nam giáp đất nông nghiệp, diện tích dự kiến tập trung phát triển thành Khu DLQG Núi Sam là 1.487 ha.

Quan điểm phát triển Khu DLQG Núi Sam dựa trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về du lịch văn hóa - tâm linh, kết hợp đầu tư khai thác phát triển các loại hình du lịch vui chơi giải trí, khám phá, thể thao và nghỉ dưỡng để trở thành điểm đến du lịch có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao và khắc phục được tính thời vụ trong hoạt động du lịch. Khu DLQG Núi Sam phát triển trong không gian kết nối với thành phố Châu Đốc, các tỉnh tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh An Giang. Đồng thời, chú trọng liên kết với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, với Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế của An Giang.

Mục tiêu đến năm 2025, Khu DLQG Núi Sam đón khoảng 6 triệu lượt khách trong đó có khoảng 800 ngàn lượt lưu trú, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng trên 1 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch năm 2025 đạt trên 2.600 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt trên 6.000 tỷ đồng, từ đó tạo việc làm cho trên 5.000 lao động trực tiếp tính đến năm 2025 và trên 9.000 lao động trực tiếp cho năm 2030.

Quy hoạch xác định, thị trường khách du lịch nội địa là thị trường khách chính tập trung khai thác thị trường khách du lịch văn hóa – tâm linh, lễ hội từng bước mở rộng thị trường khách vui chơi giải trí, khám phá, thể thao và nghỉ dưỡng. Chú trọng khai thác có hiệu quả khách du lịch nội vùng đồng bằng sông Cửu Long, khách du lịch đến từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Nguyên đi theo đoàn lớn. Thị trường khách quốc tế tập trung thu hút thị trường khách quốc tế đến từ các nước thuộc tiểu vùng Mê Kông mở rộng đi qua các cửa khẩu quốc tế của An Giang và các tỉnh lân cận.

Về phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh, trong đó mục đích chính là việc hành hương, lễ Bà Chúa Xứ, thăm lăng Thoại Ngọc Hầu và các điểm di tích khác. Bên cạnh đó, phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như: du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, cắm trại, dịch vụ vui chơi giải trí. Đồng thời, các sản phẩm du lịch liên kết với các địa bàn khác kết hợp thăm quan, mua sắm tại cửa khẩu Tịnh Biên, chợ biên giới Vĩnh Ngươn; đua bò vùng Bảy Núi; tham quan Núi Cấm; khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp; rùng tràm Trà Sư; khu di tích Nhà mồ Ba Chúc, khu du lịch Búng Bình Thiên.

Tổ chức không gian phát triển Khu DLQG Núi Sam tập trung vào 8 phân khu chức năng chính: phân khu đô thị cũ để bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống Châu Đốc; phân khu công trình công cộng, nhà ở kết hợp dịch vụ du lịch; phân khu công viên văn hóa du lịch, vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng phục vụ du khách; phân khu du lịch sinh thái kết hợp dịch vụ phục vụ khách du lịch; phân khu cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng của khách du lịch; phân khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; phân khu nghỉ dưỡng kết hợp nông nghiệp sạch (Eco-Farm) du lịch văn hóa – tâm linh, lễ hội Núi Sam.

Về định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, quy hoạch đề ra phát triển buồng lưu trú cho khách du lịch đồng thời với việc đầu tư nâng cấp chất lượng cơ sở lưu trú hiện có, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Hình thành các khu lưu trú du lịch có chất lượng cao gắn với không gian sinh thái (khu biệt thự cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái), gắn với sông nước hướng tới dòng khách có khả năng chi trả cao. Ưu tiên phát triển loại hình cơ sở lưu trú homestay.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển các cơ sở vui chơi giải trí thể thao, vui chơi giải trí tổng hợp tại phân khu du lịch sinh thái kết hợp dịch vụ; phân khu công viên văn hóa du lịch để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch và thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm.

Đẩy mạnh phát triển siêu thị, chợ truyền thống tại các phân khu du lịch sinh thái kết hợp dịch vụ. Từng bước hình thành các khu dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, chú trọng các sản phẩm gắn liền với đặc sản địa phương. Đồng thời, nâng cấp các nhà hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ khách du lịch, phát triển văn hóa ẩm thực truyền thống.

Về định hướng đầu tư, huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển Khu DLQG Núi Sam từ: ngân sách nhà nước; vốn của các tổ chức; cá nhân; doanh nghiệp; các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó ưu tiên thu hút đầu tư và các khu chức năng theo quy hoạch để phát triển sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Căn cứ vào khả năng cân đối vốn hàng năm, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ một phần để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu Khu DLQG, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ tài nguyên môi trường trong đó chú trọng bảo vệ phát huy giá trị di sản, văn hóa truyền thống của cộng đồng trong Khu DLQG.

Hồng Thủy