Tổng cục Du lịch tiếp và làm việc với Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc)
Cập nhật: 19/04/2018
(TITC) – Phát triển du lịch tàu biển là nội dung chính trong buổi làm việc giữa Tổng cục Du lịch và Viện Nghiên cứu Nam Hải (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) diễn ra vào chiều ngày 17/4/218 tại Hà Nội. Đoàn Viện Nghiên cứu Nam Hải do ông Xi Jinsong, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải làm trưởng đoàn. Làm việc với đoàn có lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch; đại diện Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL.

Tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Xi Jinsong đã giới thiệu vài nét về Đặc khu kinh tế Hải Nam. Sau hơn 30 năm xây dựng, đến nay Hải Nam đang được định hướng xây dựng thành trung tâm du lịch quốc tế với 4 chiến lược phát triển gồm: chính sách miễn thuế nhằm nâng cao nhu cầu mua sắm; xây dựng tuyến du thuyền xuyên quốc gia; phát triển du lịch y tế; đầu tư phát triển dịch vụ tại các bãi biển như dự án đua ngựa trên bãi biển hay thí điểm khu thể dục thể thao quốc gia gần biển… Tại chuyến thăm và làm việc với Việt Nam lần này, ông Xi Jinsong bày tỏ mong muốn học tập, trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch tàu biển, từ đó là cơ sở để tỉnh Hải Nam áp dụng vào thực tế.

Đoàn Tổng cục Du lịch và đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Nam Hải chụp ảnh lưu niệm

Bàn về nội dung này, ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh, du lịch biển là một trong những loại hình du lịch chính của Việt Nam. Việt Nam hiện sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển, trong đó có sản phẩm du lịch tàu biển. Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á với đường bờ biển dài trên 3.200km, nhiều giá trị văn hóa – lịch sử phong phú được lưu giữ và phát triển, nhiều danh lam thắng cảnh… là những điểm thu hút khách du lịch tàu biển mỗi khi ghé thăm Việt Nam. Tại các điểm du lịch hàng đầu Việt Nam hiện nay đều có cảng đón khách du lịch tàu biển như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc… Bên cạnh đó, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng tàu biển lớn trên thế giới như Royal Caribbean International, Star Cruises, Costa Crociere S.p.A…

Tuy nhiên, du lịch tàu biển ở Việt Nam được đánh giá chưa phát triển xứng với tiềm năng vốn có. Trong năm 2017, du lịch Việt Nam đón gần 260 nghìn lượt khách từ 220 chuyến tàu biển. Mặt khác, số lượng cảng chuyên sâu về du lịch tại Việt Nam còn ít, đa số là cảng hàng hóa container.

Để khắc phục những hạn chế này, Việt Nam hiện đang tập trung đầu tư và xây dựng các cảng chuyên sâu về du lịch như Vân Đồn, Phú Quốc… Sau khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng, các cảng này hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm đón khách lớn của Việt Nam. Một tín hiệu tích cực đối với du lịch tàu biển hiện nay là thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa như thời gian cấp thị thực cho khách du lịch tại cảng biển được rút ngắn tối đa, và mức phí áp dụng là 5$/ lượt khách. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh lữ hành quốc tế đang tích cực phối hợp với các hãng tàu biển lớn trên thế giới để phát triển tour du lịch tàu biển, thu hút khách tham quan bằng tàu biển đến Việt Nam.

Thông tin thêm tại buổi làm việc, ông Xi Jinsong cho biết hiện chính quyền tỉnh Hải Nam đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển du lịch tàu biển của địa phương như tăng cường nguồn vốn đầu tư, phối hợp thành lập Liên minh Hiệp hội du thuyền trong khu vực… Với những thông tin, kinh nghiệm hữu ích trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Hải Nam phát triển du lịch trong thời gian tới.

Khánh Trang