Yêu cầu không bán vé lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn
Cập nhật: 13/06/2018
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND thành phố Hải Phòng về Đề án Đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn.

Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất việc tổ chức duy nhất một vòng chọi chính hội, với số lượng 16 trâu trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2018. Tuy nhiên, cần xây dựng phương án có lộ trình giảm quy mô và tần suất tổ chức lễ hội theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tổ chức, triển khai thực hiện các phương án về đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội; bổ sung các phương tiện khống chế, kiểm soát khi trâu chọi có hiện tượng bất thường; tổ chức thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm chất kích thích, chất tăng lực trước khi đưa trâu vào chọi.

Đồng thời, bổ sung phương án phân luồng giao thông; kiểm soát lượng khán giả tham gia lễ hội; bố trí lực lượng sắp xếp khán giả phù hợp với không gian của địa điểm làm sới chọi trâu, tránh gây quá tải cho cơ sở hạ tầng, dẫn đến mất kiểm soát đám đông. Có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng cá cược xảy ra trong lễ hội chọi trâu.

UBND thành phố Hải Phòng có kế hoạch triển khai việc quản lý giá thịt trâu, đảm bảo nguyên tắc giá thịt trâu không quá cao so với giá thịt trâu trên thị trường cùng thời điểm. Bố trí khu vực giết trâu riêng, đảm bảo người tham gia lễ hội không nhìn thấy những hình ảnh phản cảm trong quá trình thịt trâu; kiểm soát số lượng trâu được thịt để đảm bảo không có hiện tượng trà trộn trâu không phải trâu chọi mà vẫn thịt bán trong lễ hội.

Về bán vé tham dự lễ hội, Bộ đề nghị UBND thành phố Hải Phòng thực hiện nghiêm túc quy định không bán vé thu tiền vào lễ hội tại Khoản 20 Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Khoản 4 Điều 9 Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL. Bên cạnh đó, có biện pháp, cách thức huy động nguồn xã hội hóa để phục vụ công tác tổ chức lễ hội, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn.

Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử của lễ hội Chọi trâu để người tham gia lễ hội nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội chọi trâu, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Báo Chính phủ