Khai quật khảo cổ tại Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, Thanh Hóa
Cập nhật: 09/07/2018
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Lăng miếu Triệu Tường - Ảnh: Internet

Thời gian khai quật từ nay đến ngày 30/12/2018 trên diện tích 4.000m². Ông Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học làm chủ trì khai quật.

Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật chậm nhất 03 tháng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và Viện Khảo cổ phải có báo cáo sơ bộ và sau 01 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa. Khi công bố kết quả của đợt khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi với Cục Di sản văn hóa.

Được biết, di tích lăng miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm-miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc.

Nhiều nhà sử học coi khu di tích này là kinh thành Huế thu nhỏ. Di tích lăng miếu Triệu Tường gồm nhiều kiến trúc bố trí trong một khu vực có chu vi 182 trượng (tương đương 50.000m²), bao quanh có hồ nước và cầu gạch bắc qua. Vòng ngoài có hai lớp lũy bao bọc, được ví như một tòa thành. Không gian bên trong được chia làm 3 khu vực gồm khu vực chính ở giữa xây Nguyên miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng, khu vực phía đông dựng miếu thờ Trừng quốc công, khu vực phía tây dành làm nơi trú ngụ của các quan và gia đình hộ lăng và trại lính canh lăng… Trải qua những biến động của lịch sử, lăng miếu Triệu Tường đã bị san phẳng, nay chỉ còn dấu tích nền móng.

Báo điện tử Chính phủ