Các điểm du lịch sinh thái, tâm linh thu hút du khách
Cập nhật: 04/09/2018
Theo Ban Quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các di tích danh thắng và các di tích Quốc gia đặc biệt như Côn Sơn - Kiếp Bạc, Văn Miếu Mao Điền, Đảo Cò… đã thu hút một lượng lớn du khách đến hành hương, chiêm bái, thưởng ngoạn phong cảnh.

Khu di tích và danh thắng Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện.

Ông Lê Duy Mạnh, Phó Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh cho biết: Mỗi ngày khu di tích đón khoảng hơn 2.000 lượt khách đến thăm quan. Năm nay, thời tiết mát mẻ và có mưa nên các con suối trong Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có nhiều nước tạo nên khung cảnh đẹp, thu hút nhiều du khách đến tham quan, du lịch.

Cùng với khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu di tích và danh thắng Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện cũng đón gần 5.000 du khách đến vui chơi, thưởng ngoạn phong cảnh trong 3 ngày nghỉ lễ.

Đảo Cò được công nhận là Khu danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia vào năm 2014 với diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích là 67,1 ha. Đảo Cò gồm hai đảo nhỏ có tổng diện tích trên 7.000 m2 nằm trong lòng hồ An Dương thuộc xã Chi Lăng Nam. Đây là ngôi nhà chung của khoảng 16.000 con cò và 6.000 con vạc.

Hiện nay để bảo tồn, tôn tạo di tích này, tỉnh Hải Dương đang tích cực triển khai dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò” với kinh phí gần 45,5 tỷ đồng. Dự án sẽ tiến hành kè gia cố các đảo hiện trạng, xây tuyến đường bao quanh hồ An Dương, tạo thêm đảo mới... Ngoài hai đảo hiện tại, sẽ có thêm một đảo mới với diện tích khoảng trên 5.500 m2, tạo thêm không gian cư ngụ cho cò, vạc…

Hải Dương hiện có khá nhiều loại hình du lịch, trong đó, du lịch văn hóa tâm linh là điểm mạnh của địa phương với 4 Khu di tích quốc gia đặc biệt là: Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh), quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (huyện Kinh Môn); Văn Miếu Mao Điền và Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia (huyện Cẩm Giàng) và một hệ thống các đền thờ Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Khúc Thừa Dụ… cùng nhiều di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh khác.

Hải Dương còn có điểm du lịch sinh thái với Đảo Cò Chi Lăng Nam; Khu du lịch sinh thái Sông Hương - Thanh Hà. Ngoài ra, Hải Dương có thế mạnh về du lịch làng nghề như: gốm Chu Đậu, gỗ mỹ nghệ Đông Giao, vàng bạc Châu Khê… Hiện nay, toàn tỉnh có 66 làng nghề và đây là một trong những tiềm năng lớn mà ngành du lịch Hải Dương đang tiếp tục đẩy mạnh khai thác.

Tỉnh Hải Dương đang khẩn trương chuẩn bị cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018, một trong hai lễ hội được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia ở Côn Sơn - Kiếp Bạc. Lễ hội mùa thu năm nay sẽ tổ chức từ ngày 19 - 30/9 (10 - 20/8 Âm lịch) nhằm tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tưởng niệm 576 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi với các nghi lễ: Lễ Khai ấn và ban ấn cho nhân dân, Lễ rước bộ; Lễ giỗ Đức Thánh Trần. Lễ tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi có Lễ cầu an và Hội hoa đăng...

Tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018, bên cạnh phần lễ, phần hội là các trò chơi dân gian truyền thống như: đua thuyền truyền thống, diễn xướng hầu Thánh, trình diễn nghệ thuật múa rối nước... Lễ hội dự kiến sẽ thu hút hàng vạn du khách thập phương về dự.

Tin, ảnh: Mạnh Tú

TTXVN