Khai hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2018
Cập nhật: 26/09/2018
Ngày 25/9 (tức ngày 16/8 âm lịch), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (1300 – 2018) và khai hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2018. Đến dự có Đồng chí Trương Tấn Sang, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước.  

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu đọc diễn văn tưởng niệm và khai hội. Trong đó, khẳng định, đã thành tục lệ thiêng liêng - Tháng Tám giỗ Cha, nhân dân cả nước lại nô nức về trẩy hội đền Kiếp Bạc, tưởng nhớ Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương. Trong không khí linh thiêng của mùa thu tháng Tám, tại vùng đất Kiếp Bạc linh thiêng còn âm vang hào khí Đông A trên 700 năm trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018.

Hải Dương là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, là phên dậu phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa, từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Tiêu biểu trong đó là Khu di tích đặc biệt quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc, tâm điểm của vùng đất thiêng “Chí Linh bát cổ”. Vùng đất này “Mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, rồng chầu hổ phục, sông núi linh thiêng”. Nơi đây, trời bày đất dựng, hình thế hiểm yếu về quân sự, đắc địa về phong thủy. Vào thời Trần, Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo đã lập đại bản doanh Vạn Kiếp, cùng vua tôi nhà Trần tổ chức hội quân với ý chí quyết chiến, quyết thắng đập tan ý đồ bành trướng của đế quốc Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ 13.

Không chỉ được biết đến với vài trò là một nhà quân sự thiên tài, Trần Quốc Tuấn còn soạn 02 bộ sách để dạy các tướng lĩnh đương thời cầm quân đánh giặc là Binh Thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Trong đó, tiêu biểu với bài “Hịch tướng sĩ” được viết bằng giọng văn thống thiết, hùng hồn đã khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, làm lay động hàng ngàn tướng sĩ.

Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý 1300, ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp, triều đình tiến phong THÁI SƯ THƯỢNG PHỤ THƯỢNG QUỐC CÔNG NHÂN VŨ HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG. Nhân dân Đại Việt suy tôn ông là ĐỨC THÁNH TRẦN CỬU THIÊN VŨ ĐẾ, lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài đối với non sông, đất nước ngay trên nền vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc.

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 và tưởng niệm 718 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn diễn ra từ ngày 19/9 đến 29/9/2018 (tức từ ngày 10 tháng 8 đến 20 tháng 8 âm lịch) với các nghi lễ: lễ khai hội, lễ ban ấn, lễ cầu an - hội hoa đăng, hội quân trên sông Lục Đầu và các trò chơi dân gian đặc sắc như đua thuyền, múa rối nước… là sự tiếp nối và phát huy các giá trị truyền thống, tuyên truyền quảng bá những nét đẹp văn hóa của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc; góp phần giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Trước đó, sáng cùng ngày tại Khu di tích Côn Sơn, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 tổ chức lễ tưởng niệm 576 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1442 - 2018).

Với những giá trị văn hoá đặc sắc của khu di tích, ngày 18/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch. Năm 2012, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định vị thế, tầm vóc và giá trị của khu di tích danh thắng này; là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

 

Báo Giáo dục thời đại