Hoàn thành hệ thống biển chỉ dẫn du lịch: Thuận tiện cho du khách
Cập nhật: 02/10/2018
Một trong những việc quan trọng của ngành Du lịch Hà Nội trong 3 tháng cuối năm 2018 là hoàn thành Đề án rà soát, thống kê các điểm đến du lịch và lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội. Đây cũng là yếu tố quan trọng vừa tạo thuận tiện cho du khách, vừa thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách làm du lịch ở Hà Nội.  

Những tháng qua, Sở Du lịch Hà Nội liên tiếp tổ chức các đợt khảo sát tại các huyện như Mỹ Đức, Ba Vì, Thường Tín, Thạch Thất… với sự tham dự của các công ty lữ hành. Một trong những phần việc của các đợt khảo sát trên là thống kê, đánh giá thực trạng biển chỉ dẫn du lịch tại các địa phương, xin đánh giá, tư vấn của các công ty lữ hành.

Những điểm trừ không đáng có

Như sau lần khảo sát ở xã Cổ Đô (Ba Vì), đánh giá của đoàn khảo sát là địa phương cần ít nhất 4 biển chỉ dẫn du lịch ở đường liên xã cũng như đường đê để đưa khách đến một số điểm như Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô, Bảo tàng Sỹ Tốt và gia đình… Dù đầu đường vào xã đã có một tấm biển chỉ dẫn đến Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô nhưng như thế là chưa đủ bởi vẫn khiến du khách khó khăn khi tìm đến bảo tàng. Nhất là khi đi xe ô tô 45 chỗ, đoàn du khách phải đi theo hướng khác, khi ấy việc tìm đường sẽ vất vả hơn. Ngay cả đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội đến Cổ Đô cũng phải nhờ người của UBND xã dẫn đường thì mới có thể tới điểm đến nhanh hơn. Tương tự, đường đến với Bảo tàng Sỹ Tốt và gia đình - vốn nổi tiếng không kém Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô cũng ở trong tình trạng không có biển chỉ dẫn... Trong khi đó, xã Cổ Đô hiện đang đặt mục tiêu lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn và phong trào hội họa, những bảo tàng mỹ thuật được xem là yếu tố tạo ra lực hút mạnh với du khách. Vì vậy, việc thiếu biển chỉ dẫn du lịch ở xã Cổ Đô sẽ khiến du khách mất nhiều thời gian và đây là điểm trừ không đáng có. Do vậy, đại diện Sở Du lịch Hà Nội đã coi đây là một trong những việc cần giải quyết ngay khi Cổ Đô phát triển du lịch cộng đồng.

Còn ở xã Ba Trại - vùng đất đang nổi lên với nghề trồng chè và các sản phẩm từ chè - gần đây người dân địa phương cũng bắt đầu chú trọng phát triển du lịch gắn với cây chè. Có hộ dân đã trở thành địa điểm đón du khách của một doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện. Một số hộ khác cũng sẵn sàng để du khách đến tham quan, chụp ảnh ở đồi chè của gia đình. Dù vậy, khi đến đây, du khách mỏi mắt tìm mà cũng rất hiếm nhìn thấy biển chỉ dẫn đường đến điểm du lịch và đó là một hạn chế đối với việc phát triển du lịch ở nơi này.

Những ví dụ nêu trên không phải là câu chuyện của riêng Ba Vì mà là chuyện dễ thấy ở nhiều quận, huyện, nhất là ở các huyện có làng nghề thủ công - nơi hoàn toàn có thể khai thác phát triển du lịch. Anh Nguyễn Văn Tuân, hướng dẫn viên du lịch dẫn chứng, trong lần đưa khách đến một làng nghề sơn mài ở huyện Thường Tín, anh cũng mất khá nhiều thời gian để hỏi đường, khiến lịch trình bị “xô lệch”... Trong những chuyến khảo sát cụ thể của Sở Du lịch Hà Nội từ đầu năm 2018 đến nay cũng cho thấy, ở bất cứ điểm khảo sát nào cũng cần bổ sung biển chỉ dẫn du lịch.

Sớm hiện thực hóa 

Từ nhiều năm trước, những người có trách nhiệm với Du lịch Hà Nội đã nhận ra vấn đề này và đã có những động thái cụ thể để khắc phục. Cuối năm ngoái, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Du lịch Hà Nội lập Đề án rà soát, thống kê danh sách các điểm du lịch trên địa bàn để đề xuất triển khai lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn du lịch đã được phê duyệt.

Cách đây hơn 2 năm, Sở Du lịch Hà Nội và đối tác Pháp đã xây dựng Đề án thực hiện triển khai thí điểm xây dựng lô gô, biển chỉ dẫn du lịch. Trong đó, chuyên gia Pháp sẽ tham gia thiết kế biển chỉ dẫn du lịch.

Đây cũng là hoạt động cụ thể hóa chỉ đạo của UBND thành phố nhằm thúc đẩy du lịch Hà Nội phát triển hơn, chuyên nghiệp hơn. Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, việc tạo ra những biển chỉ dẫn du lịch đồng bộ, đầy đủ thông tin cơ bản và tùy nơi có thể đi kèm thông tin bằng tiếng nước ngoài sẽ góp phần mang đến sự chuyên nghiệp trong cách làm du lịch, giúp du khách thuận lợi khi khám phá vẻ đẹp của Hà Nội. Để làm được điều này, Sở Du lịch Hà Nội sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng, lắp đặt các biển chỉ dẫn du lịch. Thực tế, sau các cuộc khảo sát, các địa phương đều phản hồi tích cực khi hiểu rõ hơn về sự cần thiết phải xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn du lịch trên địa bàn.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Cổ Đô (Ba Vì) cho rằng: “Kinh nghiệm làm du lịch của người dân trong xã còn hạn chế nên sự chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch cộng đồng cũng cần thời gian và sự tư vấn của cơ quan chuyên môn. Sự đầu tư của Sở Du lịch cho xã về số lượng biển chỉ dẫn sẽ giúp Cổ Đô nhanh chóng đủ điều kiện phát triển du lịch cộng đồng trên quy mô rộng”.

Rõ ràng, hình ảnh của du lịch Hà Nội sẽ đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn nếu tạo được sự thuận tiện cho du khách thông qua hệ thống biển chỉ dẫn du lịch theo đúng chuẩn. Quan trọng là việc này cần hoàn thành đúng tiến độ để sớm đưa vào hoạt động, nhằm phát huy hiệu quả trên thực tế./.

Báo HNM