Phát triển du lịch, bảo tồn, phát huy văn hóa xứ Lạng
Cập nhật: 16/10/2018
Trong bản kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu địa phương này cần chú chú trọng phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa xứ Lạng.

Vẻ đẹp Lạng Sơn - Ảnh: TT xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Lạng Sơn chú trọng phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa xứ Lạng, các di tích lịch sử văn hóa tâm linh, lễ hội văn hóa đặc sắc ở địa phương; đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương… thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Hình thành chuỗi liên kết du lịch, kết nối với các trung tâm du lịch lớn liên vùng và quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển hạ tầng du lịch, nhất là khách sạn, các khu vui chơi giải trí cao cấp, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút 4-5 triệu lượt khách du lịch.

Tỉnh Lạng Sơn cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử. Chỉ đạo quyết liệt, đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Trong thời gian tới, tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, có cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hẹp khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh với các địa phương. Thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ hợp tác xã và doanh nghiệp tư nhân.

Tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp hiệu quả đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo; thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo ở các huyện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Chú ý vấn đề xã hội cư dân biên giới, quan tâm đầu tư giáo dục đào tạo, y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chủ động phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nhất là việc làm cho đồng bào dân tộc. Tăng cường đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không để xảy ra điểm nóng về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Quyết liệt triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đền Kỳ Cùng (còn có tên là đền Quan Lớn Tuần Tranh): Một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Lạng Sơn - Ảnh: TT Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Lạng Sơn là mảnh đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng với hơn 300 lễ hội truyền thống đặc sắc. Được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như: Động Tam Thanh, Nhị Thanh, Nàng Tô Thị… Bên cạnh đó, gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của các thế hệ, Lạng Sơn có hơn 600 di tích lịch sử, di tích cách mạng như: Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc…Lạng Sơn từ lâu được biết đến là mảnh đất có tiềm năng, thế mạnh về loại hình du lịch tâm linh với hệ thống nhiều đình, chùa nằm dọc khắp tỉnh như : Đền Bắc Lệ, Đền Kỳ cùng – Tà phủ, Đền Mẫu Đồng Đăng, Chùa Tân Thanh, Chùa Thành… Ngoài ra còn là một vùng quê xinh đẹp, với non nước xanh biếc của dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng.

Lạng Sơn có khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như khu du lịch Mẫu Sơn, Chóp Chài… Khí hậu nhiệt đới tạo ra những sản vật Xứ Lạng rất độc đáo như hoa Hồi, mác Mật… Các loại hoa quả của Lạng Sơn cũng rất phong phú như mơ Tràng Định, mận Bình Gia, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, đào Mẫu Sơn, na Chi Lăng Văn hóa ẩm thực Lạng Sơn nổi tiếng từ lâu mang phong vị riêng như món Vịt quay, Lợn quay, Khau nhục, Phở chua…được ghi nhận là đặc sản và sản vật hấp dẫn hàng đầu Việt Nam.

Vi Phong

toquoc.vn