Phát triển du lịch cho Bát Tràng cần có sự liên kết một cách khoa học
Cập nhật: 25/10/2018
Việc những sáng kiến hoạt động phát triển du lịch tại Làng nghề Gốm Bát Tràng cần có sự kết nối một cách khoa học, nhằm tạo thuận lợi cho du khách.

Đây là nhận định của Giám đốc Cơ quan Hợp tác Quốc tế vùng Paris, Emmanuel Cercise trong buổi khảo sát Làng nghề Gốm Bát Tràng và làm việc giữa Sở Du lịch Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm ngày 24/10.

Đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội khảo sát Làng nghề Gốm Bát Tràng. 

Tiềm năng hút khách

Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, làng nghề Gốm Bát Tràng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị, 2 di tích cách mạng kháng chiến gắn với Bác Hồ và là nơi nhạc sĩ Văn Cao in lần đầu tiên bài hát “Tiến quân ca”. Xã Bát Tràng có gần 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt trên 50 triệu đồng/người/năm…

Trong những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt khách/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, vào mùa cao điểm có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan… Điều này cho thấy, Bát Tràng là điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch xã Bát Tràng, UBND huyện Gia Lâm chủ động làm việc với Sở Du lịch Hà nội quảng bá sản phẩm du lịch của làng nghề tới trên 30 DN lữ hành trên địa bàn Thủ đô. “Đặc biệt, trong thời gian vừa quan, huyện đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội thực hiện Ảnh 360 độ giới thiệu về các điểm đến du lịch Gia Lâm nói chung và Bát Tràng nói riêng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Du lịch Hà Nội”, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Lê Anh Quân chia sẻ.

Cần sự liên kết khoa học

Trong thời gian vừa qua, du lịch Làng nghề Gốm Bát Tràng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần phải khắc phục. Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Quốc tế vùng Paris Emmanuel Cercise cho rằng, Bát Tràng có lợi thế về phát triển du lịch nhiều hơn so với các làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, những sáng kiến về phát triển du lịch cho Bát Tràng trong thời gian vừa qua vẫn còn manh mún, chưa có sự liên kết một cách khoa học.

“Du khách quốc tế rất coi trọng vấn đề liên quan tới chất lượng sản phẩm được bán tại các điểm du lịch. Do vậy, tôi cho rằng, việc được trực tiếp tham quan và trải nghiệm cả quá trình sản xuất gốm có thể là giải pháp giúp Làng nghề Gốm Bát Tràng thu hút thêm du khách quốc tế trong thời gian tới”, Emmanuel Cercise nói.

Bên cạnh đó, một số đại diện của các DN lữ hành cũng cho rằng, việc thiếu trung tâm hướng dẫn thông tin về những điểm đến khiến cho Bát Tràng dần mất đi sức hút trong mắt du khách. Ngoài ra, bên cạnh việc quảng bá các sản phẩm gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm nói chung và xã Bát Tràng nói riêng cũng nên tập trung tăng cường quảng bá nét ẩm thực, bởi ẩm thực luôn gắn liền với nét văn hóa truyền thống của mỗi địa phương. Đại diện các DN lữ hành cho rằng, nếu muốn xây dựng những chương trình quảng bá du lịch đặc sắc cho Bát Tràng, chính quyền và người dân địa phương cũng tăng thêm các điểm lưu trú dành cho cho du khách, bổ sung website hoặc ứng dụng riêng để du khách biết thêm nhiều thông tin của làng nghề.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du Lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, trên cơ sở những ý kiến từ đại diện các DN lữ hành và người dân bản địa, Sở Du lịch Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho phát triển du lịch làng nghề nói chung và Bát Tràng nói riêng. Tuy nhiên, làng nghề là loại hình sản phẩm du lịch văn hóa với chủ thể là cộng đồng DN và người dân bản địa. Do vậy, các địa phương cũng cần xác định rõ từng nhiệm vụ cụ thể, để phát triển loại hình sản phẩm du lịch làng nghề hơn nữa.

BÀI, ẢNH: HÀ PHƯƠNG

Kinhtedothi.vn