Đà Nẵng muốn có nhà ga riêng dành cho tàu biển du lịch
Cập nhật: 16/11/2018
Để thành phố Đà Nẵng tạo bước đột phá trong việc thu hút khách du lịch tàu biển, một nhà ga riêng cho tàu biển du lịch ngay bây giờ và một cảng biển du lịch riêng trong tương lai là cần thiết bên cạnh đầu tư các sản phẩm và dịch vụ đặc thù cho loại khách chịu chi tiêu này.

Khách du lịch tàu biển tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ảnh: Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng.

Tại Hội nghị Quốc tế về phát triển du lịch tàu biển Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng khách du lịch tàu biển là loại khách đặc thù, có nhu cầu chi tiêu cao và nếu “bắt trúng đài” thì có thể tạo ra tác động tích cực cho chất lượng điểm đến. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của du lịch cảng biển Đà Nẵng là thiếu một nhà ga riêng để loại khách này thấy an tâm khi đến và đi.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, đề nghị nên nhanh chóng dành riêng một nhà ga cho tàu biển du lịch tại cảng Tiên Sa. “Hiện nay các tàu du lịch phải cập và neo đậu chung với cảng hàng hóa. Hơn nữa, chưa có nhà ga chuyên biệt để khách làm thủ tục nhập cảnh, mua sắm. Việc sử dụng chung này gây ra sự bất tiện cho du khách và tạo cho họ tâm lý không an toàn”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng – đơn vị đầu tư cảng Tiên Sa, cho biết hiện nay chưa thể đầu tư nhà ga riêng cho khách du lịch vì lượng tàu biển đến trong một năm chưa đủ để làm nhà ga riêng. “Phải đến năm 2025, khi đã có cảng Liên Chiêu chia sẻ thì mới có thể làm 2 nhà ga riêng biệt,” ông Sia nói.

Trong khi đó, bà Trương Thị Thu Hương, đại diện Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết hiện nhiều cảng được quy hoạch làm du lịch tàu biển nhưng chưa cảng nào có nhà ga riêng dành cho tàu du lịch, ngoại trừ vịnh Hạ Long.  “Vì vậy đầu tư hạ tầng cảng biển riêng cho du lịch là cần thiết,” bà Hương nói.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist, thậm chí còn cho biết nếu Đà Nẵng nhanh chóng đầu tư hạ tầng cảng và có riêng nhà ga đón tàu du lịch tại cảng Tiên Sa thì “đảm bảo trong thời gian không xa, thành phố sẽ đón mỗi ngày 1 chiếc tàu biển quốc tế cập cảng. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng cảng du lịch, thành phố nên chủ động xây dựng đội ngũ chuyên xúc tiến thị trường tàu biển trên thế giới, tham gia các Hiệp hội Cảng biển du lịch thế giới. Đây là kênh tiếp cận, hợp tác nhanh với thị trường tàu biển thế giới”.

Về vấn đề đầu tư sản phẩm đặc thù, ông Bình thuộc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết thành phố sẽ thực hiện nghiên cứu, khảo sát thị trường nhằm đưa ra những sản phẩm dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của từng thị trường khách.

"Các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng địa phương, điều mà khách du lịch tàu biển rất quan tâm, sẽ được đầu tư như bán đảo Sơn Trà, làng nghề nước mắm Nam Ô hay làng rau La Hường”, ông Bình nói và cho biết thêm ngành du lịch thành phố cũng sẽ kêu gọi đầu tư các cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn và phù hợp với khách tàu biển.

Trong năm 2019, Đà Nẵng dự kiến đón 120 chuyến tàu biển quốc tế với 165.000 khách.

90% khách tàu biển cập cảng Chân Mây ghé Đà Nẵng, Hội An

Tại hội nghị, bà Hà Bích Liên, cố vấn của tàu biển quốc tế Royal Caribean Cruise Line, cho biết hiện nay các tàu biển của hãng này chọn cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) để cập cảng. Tuy nhiên, khoảng 90% lượng khách của hãng lại chọn ghé Đà Nẵng để vui chơi, mua sắm và tham quan.

Nhân Tâm

thesaigontimes.vn