Sa Pa: Ðể xứng tầm diện mạo Khu Du lịch quốc gia
Cập nhật: 19/12/2018
Trong những năm qua, đặc biệt từ khi triển khai Đề án phát triển mạng lưới đô thị của Tỉnh ủy (Đề án số 4, giai đoạn 2016 - 2020), diện mạo đô thị của Sa Pa đã có nhiều đổi thay tích cực.

Diện mạo riêng có của đô thị Sa Pa

Tốc độ phát triển hạ tầng ở Sa Pa những năm qua diễn ra rất nhanh. Hàng nghìn công trình điện, đường, trường, trạm, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đã và đang được các tổ chức, cá nhân xây dựng, khiến nhiều người liên tưởng Sa Pa là một... đại công trường đang phá vỡ quy hoạch và cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Xứng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng Sa Pa, đây là góc nhìn của những người không có chuyên môn về lĩnh vực xây dựng hoặc không dành thời gian tìm hiểu kỹ. Trên thực tế, các công trình được triển khai xây dựng ở Sa Pa trong thời gian qua đảm bảo theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, ngày 20/9/2018, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1218/QĐ-BXD về việc công nhận khu vực thị trấn Sa Pa mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đây là tiền đề quan trọng để Sa Pa phấn đấu trở thành thị xã trong tương lai gần...

Được biết, từ năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng và các đơn vị tư vấn đã xây dựng hơn 50 đồ án quy hoạch xây dựng huyện Sa Pa. Trong đó, có đồ án quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 và 6 đồ án phân khu, 35 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành. Từ đó, tỉnh đã tạo điều kiện cho huyện Sa Pa huy động các nguồn lực đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Trên thực tế, không ai có thể phủ nhận những dự án nghìn tỷ như cáp treo Fansipan, khách sạn Silk Path Sapa, khách sạn Aira Boutique Sapa, Sapa Horizon Hotel, Sapa Highland Resort&Spa… do các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng đã đưa đô thị Sa Pa lên một tầm cao mới, góp phần quan trọng vào việc thu hút khách du lịch, tạo nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động địa phương. Minh chứng là tổng lượng khách du lịch đến Sa Pa trong năm 2018 ước đạt 3,2 triệu lượt, đem lại tổng doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần về lượng khách so với năm 2008 (334.711 lượt người). Do đó, một số bất cập về môi trường như ô nhiễm tiếng ồn, bụi đất… từ một số dự án làm đường giao thông và các công trình xây dựng đang trong giai đoạn thi công, được đại bộ phận người dân sinh sống tại Sa Pa thông cảm, chia sẻ.

Bác Trần Văn Tuấn, ở tổ 11 thị trấn Sa Pa cho hay: Khoảng 10 năm về trước, Khu Du lịch Sa Pa luôn rơi vào tình trạng đìu hiu vắng khách du lịch về mùa đông. Khung cảnh đó có thể làm hài lòng những người có tâm hồn lãng mạng yêu vẻ đẹp lặng lẽ của Sa Pa, nhưng với người dân chúng tôi thì… không ra tiền. Ở đây ai cũng hiểu, những dự án đang được triển khai xây dựng như đường tránh Quốc lộ 4D (đoạn qua thị trấn Sa Pa), đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên Sa Pa hoặc các dự án xây dựng khách sạn trong nội thị… đang tạo ra nhiều việc làm trực tiếp cho người dân địa phương. Sau khi hoàn thành, những công trình đó góp phần thu hút khách du lịch. Như vậy, những bất cập về môi trường chỉ là tạm thời.

Hiện nay, hầu hết các dự án xây dựng ở Sa Pa có sử dụng lao động người địa phương và trả lương theo ngày công lao động từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/người/ngày tùy vào tính chất công việc. Có rất nhiều người dân khu vực nông thôn ở Sa Pa tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng trong các công trình, dự án và có thu nhập ổn định nên đã thoát được nghèo.

Tìm hiểu từ phía du khách đến với Sa Pa, hầu hết mọi người kinh ngạc trước tốc độ phát triển đô thị của Sa Pa. Khá nhiều du khách bày tỏ sự cảm thông và không ngần ngại hiến kế để Sa Pa bớt ngổn ngang hơn trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ông Hoàng Quốc Vượng - du khách đến từ thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết: Đây là lần đầu tôi đến Sa Pa và thực sự ấn tượng trước những công trình mang tầm vóc thế kỷ, điển hình như hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan. Tôi biết địa phương đang trong lộ trình xây dựng để hoàn thiện hạ tầng nên không thể tránh khỏi những bất cập về môi trường. Tuy nhiên, điều này cơ quan quản lý nhà nước có thể hạn chế bằng cách cấm các dự án xây dựng trong nội thị thi công vào những ngày cuối tuần, đồng thời tiến hành phun nước rửa đường để giảm bụi bẩn cho thị trấn. Địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và cả khách du lịch đến Sa Pa tự giác chung tay bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị bằng những việc làm thiết thực hơn. Tôi thấy nhiều tuyến phố của Sa Pa hiện nay chưa được trồng cây xanh để tạo cảnh quan, bóng mát. Đây là một vấn đề thiếu sót, rất cần triển khai ngay…

Để đảm bảo cho diện mạo đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, UBND huyện Sa Pa đã xây dựng và ban hành Bộ Quy chế quản lý đô thị và phổ biến đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Các cơ quan chức năng của Sa Pa cũng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các tổ chức, cá nhân có những hành vi làm mất mỹ quan đô thị, như xây dựng nhà trái phép và không phép, gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu… Điều này góp phần làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay xây dựng đô thị Sa Pa xanh, sạch, đẹp.

Có thể khẳng định, thành quả phát triển đô thị ở Sa Pa trong những năm qua là rất đáng trân trọng. Đó là sản phẩm kết tinh của trí tuệ, công sức và nguồn lực đầu tư của nhà nước, của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, tốc độ phát triển đô thị của Sa Pa sẽ tiếp tục diễn ra theo hướng xứng tầm diện mạo là Khu Du lịch của quốc gia.

Báo Lào Cai