Cao Bằng: Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Cập nhật: 09/05/2019
(TITC) - Ngày 8/5, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội thảo quốc tế về “Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNSECO”.  

Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận vào ngày 12/4/2018 (Ảnh: Internet)

Hội thảo có sự tham gia của 500 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, diễn giả, nhà quản lý CVĐC toàn cầu đến từ châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Á.

Tại hội thảo, bà Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu việc UNESCO công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Cao Bằng mà còn là vinh dự lớn cho Việt Nam; đồng thời, điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với ngành Du lịch cả nước nói chung và Du lịch Cao Bằng nói riêng. Để tận dụng lợi thế này, Cao Bằng cần tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác từ trong nước và quốc tế nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, phấn đấu để Cao Bằng trở thành điểm đến không thể bỏ qua tại Việt Nam. Tổng cục Du lịch luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện để Du lịch Cao Bằng phát triển ngày càng khởi sắc.

Bà Phạm Lê Thảo - Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Tạp chí Du lịch)

Nhấn mạnh vai trò của người dân trong phát triển du lịch, bảo vệ CVĐC, ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO nhấn mạnh, CVĐC toàn cầu là bảo tàng mở, chứa đựng giá trị địa chất, di sản, văn hóa, tự nhiên mang tầm cỡ quốc tế, để CVĐC phát triển bền vững, cần có sự tham gia của người dân. Các nhà quản lý cần tạo điều kiện cho người dân địa phương được tham gia, hưởng lợi từ CVĐC toàn cầu thông qua phát triển du lịch. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương lòng tự hào về CVĐC toàn cầu, nâng cao ý thức bảo vệ di sản. 

Tại hội thảo, các nhà khoa học, tiến sỹ, diễn giả, chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm, mô hình phát triển CVĐC thông qua các tham luận như mạng lưới CVĐC toàn cầu UNSECO và định hướng về phát triển bền vững; mục tiêu phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC toàn cầu tại Cao Bằng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quảng bá đến người dân, du khách về giá trị CVĐC toàn cầu; tập trung phát triển CVĐC toàn cầu UNSECO Non nước Cao Bằng gắn với du lịch; tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia, được hưởng lợi từ phát triển du lịch trong CVĐC toàn cầu...

Theo ông Nguyễn Trung Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, CVĐC Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận đã và đang hỗ trợ hiệu quả việc xây dựng, phát triển thương hiệu, đưa du lịch Cao Bằng cất cánh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Tuy nhiên, Cao Bằng chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu. Hội thảo là cơ hội để Cao Bằng được chia sẻ, học tập kinh nghiệm xây dựng, phát triển CVĐC để phát triển du lịch gắn với bảo vệ, phát huy các giá trị của CVĐC toàn cầu.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra ký kết thỏa thuận hợp tác giữa CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận trở thành Công viên địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018. Với danh hiệu này, CVĐC Non Nước Cao Bằng trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. 

CVĐC Non Nước Cao Bằng có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế như hang Pác Bó, suối Lê Nin, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén, Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít…

Khánh Trang