Kinh tế về đêm – “Mỏ vàng” của ngành Du lịch Việt Nam (Kỳ 1)
Cập nhật: 05/12/2019
Kỳ 1: Kinh tế đêm – Xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế du lịch giai đoạn mới
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm của Trung Quốc để học tập, áp dụng nhằm gia tăng giá trị kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế dựa trên những lợi thế mà Việt Nam đang có. Chỉ đạo của Thủ tướng ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành Du lịch.
 
 
Theo công bố của Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc, nhờ vào nền kinh tế đêm đã góp phần vào gia tăng GDP lên 6,3% trong 6 tháng đầu năm 2019. Viện nghiên cứu du lịch Trung Quốc cũng cho biết, thời điểm vàng cho hoạt động kinh tế đêm là từ 18h - 22h hàng ngày. Thực tế cho thấy khi Trung Quốc phát triển nền kinh tế đêm là do người dân có sự kỳ vọng, các doanh nghiệp có động lực và Chính phủ có sự nhiệt tình. Những năm gần đây, thành công của Trung Quốc khi thực hiện chính sách phát triển kinh tế đêm là rất rõ. Đây có thể coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển ngành du lịch Trung Quốc.
 
Bắt khách du lịch đi ngủ sớm là lãng phí
 
Những năm gần đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng khá tốt nhưng số lượng lựa chọn quay lại chưa cao. Một trong những lý do chính là nhiều du khách nước ngoài cảm thấy chưa thực sự thoải mái bởi các dịch vụ đêm còn ít.
 
Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, du khách nước ngoài thường xem thời gian ban đêm tại Việt Nam là khoảng thời gian thú vị nhất khi ít xe cộ ồn ào, có thể ngắm cuộc sống đêm tĩnh lặng và trải nghiệm những dịch vụ giải trí, thư giãn... Mặt khác, rất nhiều khách du lịch đến Việt Nam không quen múi giờ (có lúc lệch đến 12 giờ) mà phải đi ngủ sớm thì thật lãng phí. Ông Huê còn dẫn chứng rằng, tour du lịch Thái Lan 5 ngày 4 đêm giá chỉ khoảng 6 triệu đồng và được bán cho các công ty du lịch dưới giá thành. Nếu tính chi phí ăn nghỉ, tham quan thì không thể thu hồi vốn. Vậy nước họ thu lãi từ đâu? Đó là từ các dịch vụ mua sắm, các hoạt động giải trí ban đêm…
 
Chị Phương Lô – Việt kiều Đức tâm sự, “chúng tôi về Việt Nam để thăm hỏi bà con và đi du lịch. Kỳ thực đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới, tôi thấy danh lam, thắng cảnh và đồ ăn của Việt Nam không đâu sánh bằng. Thế nhưng, các dịch vụ đêm còn “nghèo nàn” lại thiếu hấp dẫn. Sau một ngày đi thăm, ngắm cảnh đẹp tại các khu du lịch, đêm xuống tôi cần được thư giãn, ăn uống, mua sắm, hát hò, vui chơi… nhưng vừa đi đã phải về đi ngủ vì các dịch vụ phải đóng cửa theo giờ quy định. Do vậy, đến mỗi điểm du lịch, chúng tôi chỉ ở lại nhiều nhất là 1 ngày/đêm, thậm chí có những nơi chỉ đi trong ngày rồi lại di chuyển tới địa điểm khác”.
 
Bày tỏ quan điểm về kinh tế đêm, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại Việt Nam, một số thành phố như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hay Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng hiện đã có hoạt động kinh tế du lịch về đêm như chợ đêm, các quán bar… tuy nhiên như vậy chưa đủ. “Theo tôi, tất cả những gì hoạt động ban đêm mang tính kinh tế, góp vào tăng trưởng, thu lợi nhuận thì đều gọi là kinh tế ban đêm. Tức là, không chỉ chợ đêm, quán bar mà còn là những hoạt động văn hóa, giải trí, lễ hội, thậm chí là dịch vụ ngân hàng, bưu chính, tài chính… Ở các nước phát triển thì những hoạt động dịch vụ ban đêm đã khá toàn diện. Những nước đang phát triển hoặc kinh tế còn hạn chế thì hoạt động đêm ít hơn vì thị trường chưa có nhu cầu. Việc một số thành phố lớn của Việt Nam có chợ đêm, phố đi bộ, quán bar..., theo tôi là phù hợp với nhu cầu và cần phát triển toàn diện hơn, đa lĩnh vực hơn. Quán bar, vũ trường, karaoke, chợ đêm mới chỉ là sơ khai thôi”, ông Cao Sĩ Kiêm nhận định.
 
TS. Dương Hùng Sơn, Tổng Giám đốc phía Nam Tập đoàn Tuần Châu khẳng định, những nhu cầu văn hóa giải trí ngày và đêm sẽ ngày càng tăng. Tập đoàn đã hợp tác đầu tư thành công 2 dự án văn hóa là Tinh hoa Bắc bộ tại Hà Nội và Ấn tượng Hội An tại Hội An. Đến nay, Tinh hoa Bắc bộ và Ấn tượng Hội An đã trở thành điểm nhấn quan trọng sau chương trình tour ban ngày, thu hút rất đông khách du lịch khi đến 2 địa phương này.
 
“Mỏ vàng” bị bỏ quên
 
Trong hội thảo với chủ đề “Bứt phá kinh tế từ du lịch” mới được diễn ra cách đây chưa lâu, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn nhận định, chợ đêm là một “mỏ vàng” để ngành Du lịch khai thác. Cụ thể như chợ đêm Phú Quốc, khi chưa có chợ đêm, người dân chỉ cho thuê nhà 8 triệu đồng/tháng thì sau khi có chợ đêm, giá thuê lên 40 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể phía trước nhà còn cho thuê 2 xe đẩy bán hàng, mỗi xe 15 triệu đồng/tháng... Từ đó nguồn thu nhập của người dân ổn định đều đặn, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.
 
 
Kinh tế về đêm không những giúp giữ chân du khách mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển
 
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho rằng, không có sản phẩm ban đêm thì khó có thể giữ chân được khách, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước. Trong du lịch về đêm, chợ đêm và phố đi bộ đang được xem là sản phẩm phù hợp với môi trường, địa phương và thói quen mua sắm của du khách. Tuy nhiên, một số nơi phát triển thiếu quy hoạch hợp lý nên chưa tạo được sức hút. “Thực tế cho thấy, chúng ta đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Trong khi đó, 70% còn lại là các sản phẩm dịch vụ thu được từ 6h tối hôm trước đến 2h sáng hôm sau thì lại không phát triển. Các nước mạnh về du lịch đều tập trung đầu tư thúc đẩy hoạt động dịch vụ ban đêm. Do đó, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức, quan điểm về việc phát triển các sản phẩm du lịch đêm sao cho hiệu quả. Nếu Việt Nam có chính sách đột phá, tạo cơ chế tốt để người dân mạnh dạn đầu tư thì kinh tế ban đêm sẽ phát triển”, ông Kỳ nhấn mạnh.
 
“Theo chủ trương phát triển kinh tế đêm được gợi mở từ Chính phủ cùng với tiềm năng và lợi thế về văn hóa, di sản… sẽ là chất xúc tác mới cho việc việc tạo sản phẩm thu hút du khách hiệu quả. Đây chính là sự liên hoàn trong các tổ hợp dịch vụ du lịch hứa hẹn tạo sức bật cho các ngành kinh tế của Việt Nam” – ông Lương Thỉnh, Giám đốc Công ty du lịch và tổ chức sự kiện Lương Gia nhìn nhận.
 
“Cá nhân tôi đã từng đề xuất khai thác dịch vụ du lịch về đêm nhưng do nhiều nguyên nhân nên ngành Du lịch vẫn khó có thể triển khai áp dụng. Chẳng hạn nhiều nơi hiện không cho phép kinh doanh quá 12 giờ đêm thì khó có các sản phẩm vui chơi giải trí để khai thác được vào thời gian này”, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch bày tỏ. Đồng thời ông Lương cũng cho rằng, xét dưới góc độ du lịch, kinh tế ban đêm hay kinh tế 24 giờ sẽ bao gồm phố đêm, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, câu lạc bộ, hộp đêm, các buổi biểu diễn nhạc sống, các hình thức giải trí, văn hóa… về đêm. Do vậy, ngành Du lịch, mà trước hết là các địa phương trọng điểm về du lịch cần có đề án nghiên cứu chuyên sâu đề về vấn đề này. Trong đó cần đề xuất tháo gỡ những quy định làm hạn chế phát triển du lịch về đêm như quy định về giờ giấc. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải có đề án tổ chức, quy hoạch lại điểm đến, cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế về đêm thì mong muốn mới đi vào thực tế được.
 
Có thể thấy, việc mở cửa cho kinh tế về đêm được đánh giá phù hợp với xu hướng quốc tế và là “mỏ vàng” của ngành Du lịch, không những giúp giữ chân du khách và quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Song, thực tế cho thấy, hiện nay Việt Nam chưa thực sự chú trọng đầu tư các dịch vụ ban đêm để phục vụ người dân và du khách. Vì vậy, việc sớm thực hiện phát triển kinh tế đêm, trong đó quy hoạch một cách bài bản, tổ chức quản lý phù hợp là điều cần làm hiện nay.
 
(Còn nữa)
Đoàn Hoa – Nguyễn Nam
Báo Du Lịch