Đắk Nông: Chú trọng phát triển du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế
Cập nhật: 16/12/2019
Đắk Nông là một trong những tỉnh ở khu vực Tây Nguyên được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa khai thác tối đa những lợi thế vốn có. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng bộ triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp và xác định du lịch là một ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế.

Thác Liêng Nung nằm ở xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan vào dịp lễ, tết

Cơ cấu lại ngành du lịch

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, trong 7 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Đắk Nông là 250.000 lượt, doanh thu đạt 25,4 tỷ đồng. Đây là một con số rất khiêm tốn về những tiềm năng và lợi thế đang có. Trước những hạn chế đó, mới đây, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025.

Cụ thể, tỉnh xác định mục tiêu, cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đến năm 2025, doanh thu và lượt khách du lịch tăng ít nhất 20% so với giai đoạn 2015 - 2020. Số lượng lao động qua đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 50% lao động trực tiếp trong ngành du lịch.

Theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành du lịch mới được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt, ngoài cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch, thị trường khách du lịch, đầu tư hạ tầng du lịch…, tỉnh cũng tập trung đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Tập trung tạo ra sản phẩm du lịch

Để tạo ra các sản phẩm du lịch thu hút du khách, tỉnh Đắk Nông tập trung phát triển sản phẩm và các điểm đến du lịch. Trong đó, tỉnh ưu tiên hoàn thiện, đa dạng hóa dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch như: Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung tại xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa); Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đray Sáp - Gia Long tại huyện Krông Nô; Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng ở huyện Đắk Glong…

Ngoài ra, Đắk Nông cũng ưu tiên đầu tư, phục dựng tại các khu di tích văn hóa lịch sử như: Di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng lãnh đạo tại huyện Tuy Đức; Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV (1959-1975) tại xã Nâm Nung, huyện Krông Nô… Du khách đến Đắk Nông cũng được trải nghiệm khám phá Công viên Địa chất Đắk Nông và nhiều thắng cảnh khác…

Khu du lịch Tà Đùng nằm cách trung tâm TX Gia Nghĩa khoảng 50km đang được đông đảo du khách quan tâm

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư

Theo đại diện lãnh đạo Sở VH-TT-DL Đắk Nông, từ một tỉnh có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, đến nay tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, sản phẩm để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 khu, điểm du lịch đã có chủ trương phát triển du lịch; 204 cơ sở lưu trú với khoảng 2.139 phòng. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách đạt 9,15%/năm; doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân đạt 10,4%/năm.

Liên quan đến vấn đề này, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh luôn tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thời gian qua, mời gọi các tổ chức, cộng đồng và doanh nghiệp tham gia vào phát triển du lịch, dịch vụ để phát triển du lịch vùng Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông trên cơ sở bảo tồn và phát huy tối đa các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa nổi bật, đa dạng sinh học. Tỉnh cũng tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng nên một CVĐC mang đặc trưng riêng, phát triển một cách bền vững theo các mục tiêu và định hướng của UNESCO.

Công viên địa chất Đắk Nông trước đây là hệ thống hang động núi lửa phân bố khu vực dọc sông Krông Nô đang được tỉnh quan tâm chú trọng đầu tư phát triển du lịch

Cần tăng cường quảng bá

Theo TS. Trần Thị Tuyến Mai - Trưởng Đại Học Văn hoá Hà Nội, nhìn trên tổng thể, tiềm năng du lịch của Đắk Nông vẫn còn nhiều lợi thế cần được khai thác để phát triển du lịch, song để du lịch Đắk Nông có sự phát triển bứt phá, thực sự là ngành kinh tế đem lại hiệu quả cho toàn tỉnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân thấy được lợi thế tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng di sản văn hóa có điều kiện để phát triển du lịch. Tăng cường các hoạt động quảng bá về tài nguyên thiên nhiên và giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, xây dựng chính sách thu hút đầu tư du lịch; chính sách khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống của các tộc người dân tộc thiểu số, chính sách tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cải thiện đời sống, tạo cơ hội việc làm cho người dân trong hoạt động du lịch.

Song song với các giải pháp này, cần nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh trên cơ sở khai thác các giá trị di sản thiên nhiên và tài nguyên văn hóa hiện có để kích cầu, thu hút du khách như tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với giới thiệu văn hóa truyền thống độc đáo đặc sắc, tạo không gian du lịch mới lạ cho du khách. Tập trung vào tính đa dạng văn hóa và tinh thần chinh phục - khai phá thiên nhiên của các dân tộc tại chỗ, nhằm mục đích quảng bá du lịch và văn hóa, thu hút khách du lịch đến với Đắk Nông ngày càng nhiều hơn.

Phạm Hoài

baotainguyenmoitruong.vn