Hàng không gấp rút nâng chất lượng dịch vụ
Cập nhật: 28/02/2020
Các hãng hàng không Việt Nam đang là nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đây là bất lợi lớn nhưng cũng đặt ra yêu cầu mới cho con đường “cất cánh” của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2020.

Hành khách làm thủ tục đi chuyến bay của Vietnam Airlines.

Chao đảo giữa đại dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ra, nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nề, trong đó phải kể đến các hãng hàng không. Cụ thể, một số hãng đang phải tạm ngừng khai thác các chuyến bay tới Trung Quốc - thị trường chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế của hàng không Việt Nam. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), trước khi xảy ra dịch bệnh, thị trường HKVN - Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác, trong đó có 11 hãng của Trung Quốc (tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần) và ba hãng của Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet (khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ).

Tuy nhiên, sau khi hủy toàn bộ phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không hai nước khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 1/2 và dừng nhập cảnh hành khách đã qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày đã khiến các hãng HKVN sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, doanh thu. Cụ thể, từ ngày 1 đến 7/2 (một tuần sau khi dừng khai thác đường bay Trung Quốc), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%). Sản lượng vận chuyển của các hãng đạt 1,06 triệu khách, giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019. Theo lãnh đạo Cục HKVN, thị trường các đường bay Trung Quốc đang chiếm hơn 18% thị trường quốc tế. Riêng với các hãng hàng không trong nước, thị trường này chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. “Việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng HKVN mất doanh thu mỗi tháng trung bình từ khoảng 400 nghìn khách. Đó là chưa kể đến một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa. Các hãng HKVN còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí công tác vệ sinh phòng dịch...”, lãnh đạo Cục HKVN cho hay.

Thống kê sơ bộ của Cục HKVN cho thấy, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng. Cục HKVN cũng dự kiến các kịch bản như nếu đến tháng 4 tới đây, khi hết dịch Covid-19, lượng khách thông qua các sân bay của Việt Nam đạt khoảng 119 triệu (giảm 2,1% so cùng kỳ); nếu tháng 6/2020 hết dịch, lượng khách thông qua khoảng 111,6 triệu (giảm 4,2%); nếu tháng 8 hết dịch, lượng khách thông qua chỉ còn khoảng 98,5 triệu (giảm 15,5%). Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng duy trì hoạt động khai thác, vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, Cục HKVN kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay, hạ/cất cánh) cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có các biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng. Ngoài ra, khuyến khích các hãng và nhà cung cấp dịch vụ chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán phù hợp.

Tìm hướng phát triển mới

Trong bối cảnh này, dễ thấy những hãng hàng không ít phụ thuộc nguồn khách Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nặng và linh hoạt hơn đối với việc xoay chiều chiến lược khai thác, đơn cử như Bamboo Airways. Hiện, hãng chưa khai thác đường bay quốc tế tới Trung Quốc đại lục, các đường bay thường lệ tới Đài Loan (Trung Quốc), cùng một số charter (bay thuê chuyến) tới Ma Cao, Đài Loan (Trung Quốc) của hãng không nằm trong diện chỉ định tạm dừng bay. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chiến lược mở đường bay tới khu vực Đông Bắc Á của một số hãng hàng không Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển 25 đường bay quốc tế trong năm 2020 của không ảnh hưởng nhiều do các thị trường nguồn mà hãng tập trung khai thác trong thời gian tới là Đông Á và các nước châu Âu, châu Đại Dương. Trong tháng 2 này, Bamboo đã chính thức mở bán vé nhiều đường bay quốc tế như Việt Nam - Séc, Hà Nội - In-chơn (Hàn Quốc), Hà Nội - Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc), kỳ vọng chinh phục những thị trường hoặc được cho là sở hữu nguồn khách lớn, hoặc mang tiềm năng hứa hẹn nhưng chưa được khai thác triệt để thông qua một đường bay thẳng. Tại thị trường trong nước, Bamboo Airways cũng có kế hoạch phát triển lên 60 đường bay trong năm 2020. Đồng thời, triển khai tăng chuyến ở nhiều đường bay trọng điểm có nhu cầu lớn, điển hình là đường bay trục Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Ngày 15/2 vừa qua, trên các đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hãng hàng không Vietnam Airlines chính thức đưa vào khai thác tàu bay thân rộng với tần suất hai giờ/chuyến. Sự đổi mới này mang đến cho hành khách cơ hội trải nghiệm thường xuyên hơn các dòng tàu bay hiện đại bậc nhất thế giới như Airbus A350, Boeing 787-9 và đặc biệt là Boeing 787-10, dòng tàu bay lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài tận hưởng không gian khoang máy bay rộng cùng các tiện ích trên không đa dạng, hành khách còn có cơ hội trải nghiệm quyền lợi hấp dẫn của hạng Phổ thông đặc biệt trên các chuyến bay này như được sử dụng phòng chờ Bông Sen, làm thủ tục tại quầy riêng, lên máy bay bằng lối đi riêng, xe buýt ưu tiên,... như tiêu chuẩn hạng Thương gia.

Mới đây, hãng hàng không Vietjet cũng đã chính thức ghi dấu mốc quan trọng tại một trong những thị trường hàng không tiềm năng hàng đầu thế giới qua việc mở năm đường bay thẳng tới Ấn Độ. Các đường bay Đà Nẵng - Niu Đê-li và Hà Nội - Mum-bai được Vietjet khai thác từ ngày 14/5 tới với tần suất lần lượt là năm và ba chuyến khứ hồi/tuần trong khi đường bay TP Hồ Chí Minh - Mum-bai khai thác bốn chuyến khứ hồi/tuần từ ngày 15/5. Hai đường bay TP Hồ Chí Minh/ Hà Nội đi Niu Đê-li hiện đang được phục vụ với tần suất lần lượt là bốn và ba chuyến khứ hồi/tuần. Phó Tổng Giám đốc Vietjet Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi khi tiếp tục kết nối Việt Nam với thị trường 1,3 tỷ dân đầy tiềm năng của Ấn Độ sau khi nhận được những phản hồi tích cực từ hai đường bay thẳng TP Hồ Chí Minh/Hà Nội - Niu Đê-li trước đó”. Chỉ khoảng hơn năm giờ bay từ Việt Nam, khung giờ khởi hành thuận tiện, các đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ của Vietjet tiếp tục mở ra nhiều cơ hội du lịch, giao thương và thúc đẩy kinh tế giữa hai quốc gia.

Minh Trang

Báo Nhân Dân