Bất động sản nghỉ dưỡng kích cầu du lịch
Cập nhật: 06/03/2020
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, việc Chính phủ, các bộ, ngành vừa ban hành những chính sách mới liên quan đến thị trường bất động sản, nhất là loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, thì đây được xem là tín hiệu sáng không chỉ kích hoạt thị trường, mà còn kích cầu du lịch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng và bất động sản du lịch nói chung. Trong năm 2019, dù nguồn cung loại hình này có xu hướng sụt giảm, nhưng chủ yếu là do chậm ban hành khung pháp lý. Về dài hạn, không thể phủ nhận sức hút về tiềm năng du lịch của Việt Nam vẫn lớn và là động lực chính cho phân khúc này.

Sự bùng phát của dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia đã gây cú sốc lớn đối với ngành Du lịch toàn cầu trong gần 2 tháng qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại một số điểm đến trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ việc kiểm soát tốt mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tại Việt Nam cho đến thời điểm này, hoạt động du lịch được nhìn nhận có thể vẫn đạt mức tăng trưởng tốt từ nay tới cuối năm, thậm chí có thể bứt phá trở lại ngay đầu quý II tới sau khi dịch bệnh hy vọng sớm chấm dứt.

Bất Động Sản nghỉ dưỡng kích cầu du lịch. Ảnh minh họa.

Theo đại diện Alphanam, thương hiệu sở hữu nhiều chuỗi khách sạn ở Đà Nẵng, Quy Nhơn và một số địa phương trên cả nước, mặc dù sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong thời gian qua khá mạnh, nhưng thực tế, công suất phòng chỉ giảm phần nhỏ nhờ vào chất lượng dịch vụ đã được khẳng định, cùng uy tín của chủ đầu tư và đơn vị quản lý. Không những vậy, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, nhờ vào việc kịp thời cơ cấu lại các nhóm khách hàng, cũng như có những thay đổi trong chính sách và công tác phục vụ khách hàng, giúp việc duy trì hoạt động đạt mức yêu cầu.

Đặc biệt, Văn bản 703 sẽ tạo cơ chế quản lý thuận lợi cho chính quyền các địa phương, giúp cả người sở hữu condotel, ngân hàng lẫn chủ đầu tư cùng gỡ bỏ được nỗi lo lớn về tương lai condotel, thúc đẩy các hoạt động mua, bán, cho thuê, thế chấp được diễn ra hợp pháp.

Theo ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty Phú Long, nhà phát triển dự án L'Alyana Senses World Phú Quốc, trong xu thế hiện nay, khách hàng có nhu cầu tìm đến với hành trình nghỉ dưỡng kết hợp luyện tập để đánh thức năng lượng tiềm ẩn trong mỗi người, tìm lại sự cân bằng của cơ thể và tâm trí. Như vậy, hơn cả một kỳ nghỉ đơn thuần, các chủ đầu tư phải giúp mang đến cho khách hàng một chuyến đi không chỉ trải nghiệm về vùng đất mới, mà còn giúp họ giải tỏa những áp lực. Và điều này chỉ có thể làm được khi phát triển các mô hình nghỉ dưỡng phức hợp, đáp ứng được "trọn gói" nhu cầu của du khách trong cùng một dự án.

Đồng quan điểm, TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư bất động sản cho biết, dù việc áp dụng Văn bản 703 vẫn cần thêm thời gian, nhưng văn bản hướng dẫn này được triển khai sẽ tạo đòn bẩy rất lớn cho khu vực BĐS nghỉ dưỡng.

"Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đây cũng được coi là một động thái tích cực, trong bối cảnh thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh CM đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, khiến nguồn cung hạn chế. Họ cũng sẽ yên tâm hơn trong việc chủ động gia tăng lợi nhuận bằng cách sở hữu một loại hình căn nhà thứ hai", ông Khương khẳng định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, đối với bất động sản nghỉ dưỡng không phải chỉ đơn thuần là vấn đề về khung pháp lý, mà hơn cả sắp tới, dù có dịch hay không có dịch là việc phải nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng và nhiều trải nghiệm hơn.

Ngành Du lịch nghỉ dưỡng đang có sự thay đổi rất nhanh với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án với phòng và sảnh lớn sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với như cầu của khách hàng trong trung và dài hạn.

ĐTHT

Báo Tin Tức