Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng giải pháp thúc đẩy du lịch vùng
Cập nhật: 09/03/2020
Liên kết phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được định bằng biên bản ký kết giữa các địa phương hồi tháng 12/2019. Đây là cơ sở để các tỉnh, thành trong liên kết cùng tìm những giải pháp phát huy tiềm năng, nội lực của mỗi địa phương trong phát triển du lịch, góp phần thay đổi diện mạo du lịch phía Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn du lịch đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, liên kết này đang phát huy tiềm lực khi chung tay đưa ra các giải pháp ứng phó và những chương trình hành động để tìm lối thoát cho du lịch.

Chợ nổi Cái Răng là điểm đến trong tuyến mới đề xuất về ĐBSCL mang tên "Những nẻo đường phù sa"

►Xác định trọng tâm và chương trình hành động cụ thể

Ngay sau khi ký kết, các địa phương đã ngồi lại cùng nhau xây dựng kế hoạch liên kết, xác định các phần việc chính và đề ra các phương hướng cụ thể để thực hiện. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025 tập trung 5 nội dung: trao đổi thông tin về tình hình phát triển, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Liên kết này được hình thành trên tinh thần tự nguyện, cùng chia sẻ cho sự phát triển chung, hỗ trợ qua lại trong hoạt động du lịch, hướng đến cộng đồng trách nhiệm. Cho nên, các vấn đề được đưa ra đều bàn thảo rõ ràng, trọng điểm, xác lập những hành động cụ thể, thiết thực”. Trên cơ sở này, nội dung trọng tâm được các địa phương quan tâm là xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng. Thực tế, các sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL thường bị đánh giá trùng lắp, đơn điệu, chưa phát huy tiềm năng. Do đó, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã làm việc cùng các doanh nghiệp du lịch như Vietravel và Saigontourist, xây dựng 3 tuyến du lịch mới. Đầu tiên là Những nẻo đường phù sa: TP. Hồ Chí Minh - Long An (Happy Land) - Tiền Giang (cù Lao Tân Phong) - Vĩnh Long (đệ nhất Homestay) - Cần Thơ (chợ nổi Cái Răng) - Hậu Giang (thanh bình miệt vườn) - Sóc Trăng (nét đẹp văn hóa Khmer) - Bạc Liêu (ngắm cánh đồng điện gió) - Cà Mau (chinh phục Cực Nam Tổ quốc). Thứ hai là Non nước hữu tình: TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang (Mỹ Tho đại phố) - Bến Tre (thành phố dưới những tán dừa) - Trà Vinh (độc đáo văn hóa Khmer) - Cần Thơ (điểm sáng du lịch cộng đồng Cồn Sơn) - Bạc Liêu (ngắm cánh đồng điện gió lớn nhất Việt Nam) - Cà Mau (chinh phục cực Nam Tổ quốc). Và thứ ba là Sắc màu vùng biên: TP. Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang. Với 3 tuyến này, các đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát và điều chỉnh cho phù hợp với lộ trình và các sản phẩm đặc trưng nổi bật của từng địa phương.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT & DL) tỉnh Cà Mau, nói: “Nội dung hợp tác phải thành hiện thực, từng bước tạo được chuyển biến qua từng chương trình hành động cụ thể. TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò đầu mối rất quan trọng để kết nối ĐBSCL với các khu vực khác và cả quốc tế. Bên cạnh các sản phẩm, quảng bá về du lịch, thì việc bồi dưỡng nguồn nhân lực là vấn đề trọng tâm của ĐBSCL. Đối với các tỉnh ĐBSCL, du lịch chủ yếu là sinh thái, cộng đồng gắn với sản phẩm từ nông nghiệp, cho nên người dân và nông dân làm du lịch rất cần được đào tạo bồi dưỡng”. Đồng quan điểm, ông Phan Văn Giàu, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch rất quan trọng, vì nó là một trong những nội dung then chốt tạo ra sự thay đổi trong các hoạt động du lịch của vùng”. Thực tế, nguồn nhân lực du lịch qua đào tạo tại ĐBSCL chỉ khoảng 52%, con số khá thấp và chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển du lịch của vùng. Do đó, trong kế hoạch liên kết cũng đã định ra một số hoạt động về tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, ít nhất có hai chương trình đào tạo cho vùng trong mỗi năm, đặc biệt sẽ theo hướng tiệm cận theo tiêu chuẩn quốc tế.

►Xây dựng chương trình liên kết quảng bá

Quảng bá, xúc tiến du lịch là khâu quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch vùng phía Nam. Với vai trò chủ trì và điều phối chính các hoạt động trong Hội đồng liên kết, TP. Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng Chương trình Kích cầu du lịch trong năm 2020, trong đó có những nội dung kích cầu tương tác hai chiều giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Đặc biệt, trong giai đoạn du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, việc tìm các giải pháp ứng phó và kích cầu du lịch đang được các địa phương đồng thuận.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: “Chúng ta có lợi thế là vùng an toàn, do đó, liên minh kích cầu du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL phù hợp để tăng sức hút đối với du khách trong giai đoạn hiện tại”. Thực trạng chung là các địa phương đang đối mặt với khủng khoảng về sụt giảm khách du lịch. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh thông tin, trong tháng 2, khách nội địa đã giảm đến 60%, khách quốc tế giảm từ 40-50%, các booking trong tháng 3 vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Trong khi đó, hai địa phương có sức ảnh hưởng du lịch ở vùng ĐBSCL là Cần Thơ và Kiên Giang cũng đối mặt với những thiệt hại không nhỏ. Trong 2 tháng đầu năm, Cần Thơ chỉ đón khoảng 1,13 triệu lượt khách, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2019, tổng doanh thu từ du lịch chỉ đạt khoảng 643 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Còn Kiên Giang, khách Trung Quốc giảm hơn 97,9%, khách quốc tế khác giảm 44% so với cùng kỳ, riêng thị trường khách nội địa giảm đến 50%. Tổng thiệt hại về kinh tế mà Kiên Giang ước tính trong tháng 2 từ du lịch là khoảng 1.039 tỉ đồng. Từ thực tế này, các địa phương cũng đã nhanh chóng đưa ra các chương trình kích cầu, liên minh kích cầu vùng.

Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng và đưa ra chương trình kích cầu đồng loạt. Theo đó, có khoảng 10.000 gói tour siêu kích cầu du lịch, 15 chương trình liên kết với các tỉnh, thành ĐBSCL đang được hình thành. Mức giá cam kết giảm từ 25%-50%, hàng không giảm đến 50%, trong khi đường bộ và đường sắt giảm đến 40%. TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với các tỉnh, thành ĐBSCL để đưa ra chương trình liên minh kích cầu, trong đó có các tour đồng giá, giảm giá sâu. Cụ thể có khoảng 5.000 vé dành cho chương trình tour 1 ngày (TP. Hồ Chí Minh đi Bến Tre, hay Mỹ Tho) với mức đồng giá là 299.000 đồng/người; đồng thời cũng đang xây dựng các liên tuyến tour 2-5 ngày với giá siêu ưu đãi.  

Ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL tỉnh Tiền Giang, nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng sẽ phối hợp cùng với các địa phương thực hiện các nội dung kích cầu du lịch. Riêng Tiền Giang, trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ tập trung tái cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ, từng bước nâng cao chất lượng điểm đến, để khi sau dịch, khi du khách quay lại sẽ thấy được diện mạo mới với những sản phẩm mới, dịch vụ tốt hơn”. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ cũng có chiến dịch riêng để ứng phó với tình hình dịch COVID-19. Chúng tôi chú trọng an toàn cho du khách, định hướng xây dựng hệ thống và bản đồ điểm đến an toàn dành cho khách du lịch. Về chương trình kích cầu, Cần Thơ cũng đang triển khai đến các doanh nghiệp và sẽ nhanh chóng đưa ra trong tháng 3 này”.

Du lịch Kiên Giang chịu nhiều tổn thất trong mùa dịch, nhất là du lịch biển ở các đảo. Trong ảnh: Du lịch biển đảo ở hòn Sơn, thường cao điểm vào tháng 3-5.

Ông Trương Quốc Phong, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL tỉnh Bến Tre, cho rằng: “Chúng ta có liên minh hợp tác kích cầu du lịch và cần thiết mở rộng liên kết, quảng bá ở các vùng khác. Hiện tại, tôi có đề xuất liên kết với vùng Tây Nguyên và Bến Tre cũng xin đăng cai tổ chức diễn đàn quảng bá kích cầu du lịch”. Song song đó, ông Thái Quốc Lưu, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL tỉnh Bạc Liêu, đưa ra đề xuất: “Chúng ta nên xem xét xây dựng phiên quảng bá du lịch để quảng bá thương hiệu du lịch của vùng”. Một trong những định hướng trong liên kết hợp tác phát triển của 14 địa phương chính là xây dựng được thương hiệu du lịch vùng.

 Liên kết hợp tác phát triển của 14 địa phương lần này, khác với những liên kết trước đó, bởi những hoạch định và hành động cụ thể, đi vào thực tế hơn. Có thể thấy rõ trong việc các địa phương đồng lòng để xây dựng các chương trình ứng phó, kích cầu và quảng bá du lịch vùng. Du lịch vùng phía Nam cũng vì thế được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục và có nhiều thay đổi khi tình hình dịch bệnh lắng dịu.

Bài và ảnh: Ái Lam



 

Báo Cần Thơ