Vẻ đẹp cọn nước vùng non nước Cao Bằng
Cập nhật: 14/04/2020
Đến Cao Bằng, du khách không chỉ thu hút bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp, mà bên dòng sông xanh biếc uốn lượn trải dài theo những cánh đồng màu mỡ là những cọn nước làm nên nét đặc trưng của vùng cao. Cọn nước không chỉ thể hiện nét văn hóa mà còn lưu giữ tập quán canh tác đặc trưng của người vùng cao.

Cọn nước phục vụ sinh hoạt tại xã Độc Lập (Quảng Hòa).

Cọn nước có từ lâu đời gắn theo phương thức canh tác truyền thống của người vùng cao. Ở những nơi sông, suối có dòng chảy thấp so với ruộng canh tác, thay vì ngăn sông, đắp đập, người dân địa phương làm ra cọn nước và mượn sức nước để tưới tiêu cho đồng ruộng.

Cọn nước được làm hoàn toàn thủ công, tận dụng những vật liệu có sẵn từ tự nhiên, đã trở thành nét đặc trưng riêng có của miền sơn cước. Tùy thuộc vào kích thước cọn nước để xác định độ dài tương ứng và số lượng của các nan cọn. Nan cọn được nối với trục quay thành khung vững chắc bằng cách đục lỗ khéo léo trên thân trục tương ứng với số nan sao cho vừa khít, sau đó cố định bằng những sợi dây mây, dây rừng dẻo dai.

Tiếp đó là đến công đoạn làm xung quanh vành khung cọn, người thợ đặt các cánh quạt đan từ phên tre để cản nước, tạo lực đẩy guồng quay. Còn những cây vầu già nhỏ và dài sẽ được dùng để cố định vòng ngoài cho cọn không bị xô lệch khi quay, đồng thời, gắn các gầu múc nước bằng ống tre. Lực đẩy của nước khiến guồng quay liên tục để gầu múc nước, đến tầm cao nhất định thì các gầu bắt đầu dốc nước vào các ống dẫn.

Cọn nước phục vụ sản xuất tại xã Phong Nặm (Trùng Khánh).

Để tiện dẫn nước về tưới các ruộng, thường những nhà có ruộng gần nhau thì làm chung một cọn. Nhiều cọn được dựng ở gần nhau, cái nọ nối tiếp cái kia tạo thành một cụm. Việc sử dụng những cọn nước để đưa nước từ dưới sông, suối lên ruộng cao không những khắc phục được việc phải tốn nhiều công sức đắp phai, đào hàng trăm mét mương dẫn nước đi qua những chướng ngại vật của vùng núi cao mà còn là một minh chứng về sự sáng tạo kỹ thuật trong thủy lợi, một công trình văn hóa thể hiện văn minh nông nghiệp từ xa xưa.

Cọn nước không ầm ầm tiếng máy, không hao tốn nhiên liệu hay điện năng như những chiếc máy bơm, nhưng giá trị của nó thì không hề thua kém. Cọn nước chính là những bánh xe khổng lồ nhẹ nhàng quay hết ngày này sang ngày khác, như  một "động cơ vĩnh cửu". Cọn nước thường dùng được 2 năm, sau đó người dân sẽ thay thế một số bộ phận bị hỏng để tiếp tục sử dụng.

Đến những khu vực nông thôn Cao Bằng, dọc theo lũy tre xanh, cọn nước ngày ngày mải miết đưa nước về ruộng đã tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của miền non nước. Bởi vậy, cọn nước không chỉ đơn thuần là công cụ trong lao động sản xuất, là công trình nghệ thuật mang dấu ấn riêng của bàn tay khối óc con người mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Ngọc Hương (T.h)

Báo Cao Bằng