Tết cổ truyền Ramưwan - Ramadan tròn bổn đạo và an toàn
Cập nhật: 22/04/2020
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tết cổ truyền và tháng lễ Ramưwan và Ramadan năm nay của đồng bào Chăm cũng tổ chức khác biệt so với mọi năm

Những ngày cuối tháng Tư này, bà con Chăm theo đạo Bàni ở Ninh Thuận, Bình Thuận đón Tết cổ truyền Ramưwan. Trong khi đó, đồng bào Chăm Hồi giáo ở Nam bộ lại mừng đón Tháng lễ Ramadan. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên Tết cổ truyền (từ ngày 22 đến ngày 24/4) và tháng lễ Ramưwan và Ramadan năm nay của đồng bào Chăm cũng tổ chức khác biệt so với mọi năm.

Ảnh minh họa

Tảo mộ là lễ khởi đầu cho một mùa Ramưvan. Tất cả các tộc họ ở các làng Chăm Bàni ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều đi tảo mộ. Do đang thực hiện giãn cách xã hội, cấm mọi hoạt động tụ tập đông người,  từ ngày 20 đến 22/4 bà con đã không hành hương lễ tảo mộ. Ramưwan năm nay thay vì đi lễ tảo mộ, cả gia đình chị Thập Thị Thu Sương ở thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đều ở nhà cúng gia tiên.

Với chị Sương đây là tết đặc biệt đáng nhớ nhất, chị bày tỏ lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên và lòng yêu nước bằng hành động của mình: "Lễ tảo mộ rất quan trọng với chúng tôi nhưng đang chống dịch Covid-19, phải ở nhà cúng ông bà, cha mẹ. Anh, chị em tôi cũng vậy nhà ai nấy cúng, không đi chúc tết nhau. Đây cũng là bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng mình."

Ninh Thuận hiện có hơn 34.500 người Chăm theo đạo Bàni và Hồi giáo Islam sinh sống tập trung tại các huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam. Có 11 thánh đường của đạo Bàni và Hồi giáo Islam được xây dựng khang trang ở các làng Chăm. Nhằm phòng ngừa sự lây lan của bệnh Covid-19, tỉnh Ninh Thuận đã cho dừng việc tổ chức các ngày lễ Tết Ramưwan và Ramadan của đồng bào Chăm; dừng tháng tịnh chay tại các cơ sở tôn giáo; việc tổ chức Tết trong phạm vi gia đình.

Ông Lê Huyền - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận nói về việc thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19 để đồng bào trong huyện đón Tết theo tinh thần của Chỉ thị 16 của Chính phủ và chỉ đạo của tỉnh: "Thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, trước đó huyện đã có văn bản triển khai liên quan đến tết Ramưwan. Chúng tôi cũng mời các chức sắc để triển khai. Đề nghị dừng hoạt động tại các thánh đường, các chùa, dừng nghi thức tảo mộ, không tổ chức tháng ăn chay. Chúng tôi đề nghị bà con không tổ chức tập trung đông người. Không tiếp đãi khách."

Thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam vừa qua có 2 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.000 dân thực hiện cách ly suốt 28 ngày. Dù đã kết thúc thời gian cách ly nhưng người dân vẫn còn hạn chế đi lại trong thời gian giãn cách xã hội. Imem Phú Minh Mạng là vị chức sắc đạo Bàni ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, phải nêu cao ý thức trách nhiệm với xã hội, với đất nước để công tác phòng chống dịch hiệu quả nhất: "Chúng tôi đã tuyên truyền Chỉ thị 16 của Chính phủ, công văn của tỉnh đến từng gia đình nên bà con trong từng thôn, làng thực hiện rất nghiêm. Các chức sắc tôn giáo đã dừng thực hiện tháng lễ tại thánh đường."

Trong khi bà con Chăm Bàni ở tỉnh Ninh Thuận đón Ramưwan, người Chăm ở Nam bộ mừng đón tháng Thánh lễ Ramadan thiêng liêng. Các thánh đường và tiểu thánh đường ở TP Hồ Chí Minh đều chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ trong phòng dịch bệnh. Lần đầu tiên, tháng Ramadan, ông Haji Mousa - Phó giáo cả Thánh đường Masjid Jamiul Anwar, số 157 Dương Bá Trạc, Phường 1, Quận 8 và các tín đồ tổ chức cầu nguyện tại nhà. Đây cũng là cách để bà con làm tròn bổn đạo và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Ông tin rằng nếu đủ lòng thành thì cầu nguyện ở đâu cũng mang lại nhiều ý nghĩa: "Tháng Ramadan là dịp để cho các tín đồ cầu nguyện, nhịn chay, tích phước rất quan trọng với chúng tôi. Thế nhưng, vì đảm bào an toàn cho mình và cho cộng đồng là trên hết."

Còn ở tỉnh An Giang, gần 17.000 đồng bào Chăm theo đạo Hồi Islam cũng đang bước vào Tháng lễ Ramadan 2020. Những năm qua, Chính phủ đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đất, nhà ở cho gần 300 hộ dân, xây mới 852 căn nhà theo Chương trình 134, 135, cất 223 căn nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ trên 6,3 tỉ đồng cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh…Nhờ những chính sách này mà bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm An Giang được phát triển, khởi sắc toàn diện so với trước đây.

Cuộc sống khấm khá hơn, gia đình chị Fatimah cũng như nhiều hộ khác ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu có điều kiện làm nhiều việc thiện trong tháng Ramadan: "Ramadan năm nay, bà con và gia đình tôi đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ trong gia đình. Tháng nhịn ăn cũng là lúc làm việc thiện giúp những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, nhất là trong lúc khó khăn, dịch bệnh, gia đình chúng tôi nấu những món ăn giúp người nghèo, người già neo đơn."

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với sự quyết tâm của ngành chức năng, chính quyền, đặc biệt là sự tự ý thức và chung tay của đồng bào Chăm ở các địa phương, mùa Ramưwan và Ramadan 2020 diễn ra an toàn, ấm cúng, vui tươi và hạnh phúc./.

Ái Nghiêm

VOV