Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Cập nhật: 26/05/2020
Một số doanh nghiệp du lịch lớn tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu khởi động trở lại với nhiều chương trình khuyến mại cho du khách, nhằm khôi phục lại thị trường du lịch bị tê liệt trong những tháng qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.  

Giảm giá sâu để kích cầu du lịch nội địa

Sau một khoảng thời gian “ngủ đông”, các doanh nghiệp du lịch tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu khởi động trở lại khi dịch COVID-19 đã tạm lắng, với các chương trình giảm giá sâu tới 50% cho du khách mua tour nội địa.

Các tour du lịch biển đảo đang được giảm giá sâu để thu hút du khách đi du lịch nội địa.

Đại diện các công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp đã bắt đầu có khách trở lại từ giữa tháng 5. Đối tượng khách chính của các công ty du lịch hiện nay chủ yếu sinh sống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Hiện các công ty du lịch đang kết hợp với các điểm đến trong nước giảm giá tour từ 15 - 50% cho du khách khi mua tour. Ngoài ra, do mới khởi động, kích cầu thị trường du lịch trở lại nên các công ty xác định giảm lợi nhuận, thậm chí "làm không công" để có thể kéo du khách sau mùa dịch bệnh COVID-19.

Chị Lò Thị Kim Tuyến, đại diện công ty du lịch Tada Tours, cho biết công ty đang đón một ít đoàn khách trong tháng 5, nhưng khách vẫn chưa đặt lịch cho những tháng xa hơn do còn thận trọng, nghe ngóng tình hình dịch bệnh. Trước mắt, các tour du lịch nội địa khởi hành đi các tỉnh Tây Bắc bắt đầu khởi sắc, hoạt động kinh doanh cũng đang "ấm" dần lên. “Mặc dù khó khăn nhưng để thu hút khách thời điểm này, chúng tôi chấp nhận giảm lãi, chung tay cùng ngành du lịch cả nước kích cầu, thu hút khách đến với địa phương”, chị Lò Thị Kim Tuyến nói.

Du khách được xịt khử khuẩn tay trước đi lên xe đi du lịch bằng ô tô tại TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho biết khi dịch bệnh được cơ bản khống chế trong nước, công ty đã đưa ra bộ sản phẩm du lịch an toàn dựa trên ba tiêu chí là điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn, nhân viên an toàn theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch để bán tour du lịch nội địa. Sau khi khởi động chương trình du lịch an toàn, lượng khách đăng ký tour du lịch nội địa của đơn vị cũng bắt đầu tăng lên và đa số du khách đăng kí đi tour từ giữa tháng 5 để bắt đầu khởi hành từ đầu tháng 6 trở đi.

“Thị hiếu du lịch của du khách sau dịch bệnh COVID-19 là các tour di chuyển đường bộ trong bán kính 300km trở lại. Nắm bắt thị hiếu này, đơn vị cũng tung ra hàng loạt tour nội địa có giá từ 299.000 đồng/khách với các địa điểm gần thành phố để thu hút du khách”, ông Trần Đoàn Thế Duy nói.

Các điểm đến đã liên kết với các đơn vị lữ hành để cùng giảm giá sâu nhằm kích cầu du lịch nội địa.

Để thu hút du khách đi du lịch nội địa, nhiều đơn vị cũng đã xây dựng các đường tour với giá giảm sâu tới 50% như: Tour về miền Tây “trốn nắng” với các điểm đến thu hút du khách tại Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau… có giá chỉ chỉ từ 299.000 đồng/du khách (trước kia có giá từ 599.000 đồng/du khách trở lên); về miền Đông có các điểm đến Tây Ninh, Vũng Tàu… có giá chỉ từ 599.000 đồng/du khách (trước kia có giá 1.198.000 đồng/du khách); tour lên Tây Nguyên có giá từ 1 triệu đồng trở lên (trước kia từ 1,5 triệu đồng trở lên)… Ngoài ra, giá dịch vụ, phòng nghỉ dưỡng 3-4 ngày tại một số khách sạn, resort cao cấp ở Phú Quốc (Kiên Giang), Sapa (Lào Cai)… cũng đang có mức giảm từ 25-50% so với ngày thường; các tour du lịch biển đảo cũng giảm giá từ 30-40% kèm nhiều khuyến mãi để thu hút du khách.

Cơ hội vàng cho du lịch nội địa phát triển

Theo các chuyên gia du lịch, thị trường du lịch có 3 đối tượng khách du lịch chính là khách quốc tế đến Việt Nam, khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài và khách Việt Nam du lịch trong nước. Trước mắt, chỉ đối tượng khách Việt Nam du lịch trong nước được khởi động lại vì các điểm đến xung quanh Việt Nam và các thị trường khác dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đây cũng được xem là "thời điểm vàng" của du lịch nội địa để thu hút kéo du khách.

Du khách tham gia tour "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn" tại TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Võ Thị Ngọc Thuý, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, để khôi phục và phát triển ngành du lịch trong tình hình mới, Thành phố đã khởi động lại ngành du lịch bằng việc ra mắt chùm tour, sản phẩm mới là “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”. Trong ngày khởi động tour, đơn vị có sự đồng hành của các đơn vị lữ hành như Vietravel và Saigontourist, sau đó nhiều doanh nghiệp khác cũng bắt đầu khai thác tour này. Sản phẩm này cũng đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế và sau 3 tháng ngành du lịch “ngủ đông”.

“Để khởi động lại ngành du lịch, công tác truyền thông và quảng bá đóng vai trò quan trọng. Với mục tiêu phải làm sao để mọi người thấy TP Hồ Chí Minh vẫn an toàn, cởi mở và thân thiện với du khách dù trong tình hình dịch bệnh, Thành phố khởi động chiến dịch “Hello, HoChiMinh City” với các nội dung mới về du lịch nội địa, du lịch ẩm thực của thành phố", bà Võ Thị Ngọc Thuý nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, giữa tháng 5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành gặp nhau tại đồng bằng sông Cửu Long để chính thức khởi động chương trình kích cầu du lịch. Điểm khác biệt so với những chương trình trước đây chính là liên minh kích cầu được mở rộng trên toàn quốc nhằm sớm phục hồi thị trường trong nước, kế đến là xem xét đến mục tiêu kích cầu thị trường du lịch quốc tế. Các hãng hàng không cũng sẽ có những buổi làm việc cụ thể với các hiệp hội để cân nhắc đưa ra mức giá khuyến mãi, thu hút du khách.

Trước khi khởi động lại ngành du lịch, các công ty lữ hành đều tổ chức các buổi tập huấn phòng chống dịch bệnh COVID-19 và du lịch an toàn cho đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, chuyên gia du lịch, cho biết, ở thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ đã chủ động xây dựng nhóm chuyên trách về sản phẩm, truyền thông cùng hệ thống đối tác cung cấp dịch vụ trong nước nhằm chuẩn bị thật tốt cho các sản phẩm du lịch hè phục vụ thị trường.

"Tiêu chí của doanh nghiệp lữ hành lúc này là song song với việc kinh doanh phải đảm bảo an toàn cho du khách. Ghi nhận từ một số doanh nghiệp đối tác tôi được biết, họ liên tục cập nhật thông tin về giá thành, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh ban hành, đáp ứng tiêu chí vừa phòng chống dịch vừa kinh doanh an toàn trong điều kiện bình thường mới để xây dựng các tour tuyến hợp lý và an toàn cho du khách nhất. Đây cũng là thời điểm thích hợp để các công ty lữ hành tái cơ cấu lại thị trường du lịch nội địa và đẩy mạnh phát triển thị trường này so với thị trường du lịch nước ngoài”, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, các chương trình kích cầu đưa ra trong thời điểm này được kỳ vọng thúc đẩy du lịch nội địa “bùng” lên mãnh liệt sau một thời gian bị “giam chân” do dịch bệnh. Thông điệp chung của cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” ngoài việc giúp kích cầu du lịch nội địa như kỳ vọng, còn tích cực mở ra một kênh thông tin quảng bá tích cực về một Việt Nam hiền hòa, tươi đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Đánh giá chung của các doanh nghiệp, mặc dù việc khởi động trở lại chưa tạo doanh thu như kỳ vọng, nhưng rõ ràng đây là những tín hiệu tích cực, góp phần kích hoạt làm “ấm” thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

TTXVN