Nhà đầu tư Hoa Kỳ muốn khai thác, phát huy tiềm năng cảng Chân Mây
Cập nhật: 20/06/2020
Công ty SSA Marine International (Hoa Kỳ) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về đẩy mạnh khai thác hàng container và du lịch biển tại cảng Chân Mây.

Theo ông Soren Pedersen, Trưởng đại diện Công ty SSA Marine International tại Việt Nam cho biết, hiện Công ty SSA Marine International đang khai thác hơn 200 cảng biển trên khắp thế giới; trong đó khai thác hơn 20 cảng tàu khách du lịch, hằng năm đón hơn 7 triệu lượt khách.

“Chúng tôi đã khá quen thuộc với Việt Nam trong 15 năm nay rồi. Từ năm 2005 chúng tôi đã vào Việt Nam, liên doanh với Vinaline để đầu tư 2 cảng ở Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cái Lân ở Quảng Ninh. Được sự giới thiệu của hãng tàu Royal Caribbean (hãng tàu thường đưa khách du lịch quốc tế đến cảng Chân Mây), Công ty SSA Marine International đã quan tâm tìm hiểu và nhận thấy Chân Mây có cảnh quan, địa hình cảng rất đẹp, rất giàu tiềm năng cho khai thác tàu du lịch và khai thác hàng container”, Ông Soren Pedersen nói.

Cảng Chân Mây có nhiều lợi thế để vừa phát triển logistics vừa phát triển du lịch.

Ông Soren Pedersen cũng cho rằng, hàng hóa tại Thừa Thiên Huế phải đi rất xa nếu phải vào cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, điều này tốn nhiều chi phí và thời gian. Nếu sau khi khảo sát, tìm hiểu để đi đến việc hợp tác đầu tư xúc tiến khai thác hàng container và du lịch biển tại cảng Chân Mây thì sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên Công ty SSA Marine International cũng cần sự hỗ trợ của các bên liên quan tại Thừa Thiên Huế, sự hợp tác từ nhiều phía, từ các sở, ban, ngành, các chủ hàng và các doanh nghiệp bởi việc chọn cảng nào để vào làm hàng là được quyết định bởi chủ hàng, điều này cần sự hợp lực cũng như sự hỗ trợ, khuyến khích từ phía chính quyền địa phương, ngành hải quan…

Đại diện Công ty SSA Marine International đánh giá cảng Chân Mây và khu vực lân cận rất đẹp, để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa, thu hút khách du lịch tàu biển nhiều hơn thì địa phương cũng cần tạo ra các sản phẩm du lịch, các dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn, thú vị cho khách du lịch...

Cũng theo đại diện Công ty SSA Marine International, sau chuyến làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty SSA Marine International sẽ tiếp tục khảo sát khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp, đánh giá thực tế, tiếp tục làm việc chặt chẽ với cảng Chân Mây, để đi đến những quyết định hợp tác xúc tiến khai thác hàng container và du lịch biển tại Cảng Chân Mây.

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng những nội dung Công ty SSA Marine International đặt vấn đề là hoàn toàn phù hợp với định hướng của Tỉnh.

Theo ông Phương, cảng Chân Mây với vị trí và địa hình tốt, nước sâu, nằm giữa 2 đô thị lớn của miền Trung là Huế và Đà Nẵng, việc Công ty SSA Marine International đặt vấn đề nghiên cứu hợp tác xúc tiến khai thác hàng container và du lịch biển là rất thuận lợi bởi cảng Chân Mây theo quy hoạch là điểm đến gần nhất của hành lang kinh tế Đông Tây. Đây được xem là cửa ngỏ ra biển Đông thuận lợi nhất của khu vực Đông Bắc Thái Lan, hạ Lào và Myanmar. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang kêu gọi đầu tư dự án logistics tại khu vực cảng Chân Mây, với diện tích gần 50ha, hiện mặt bằng rất thuận lợi. Hạ tầng kỹ thuật trong khu vực cảng cơ bản đã được đầu tư (đã xây dựng đê chắn sóng)...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ tối đa trong quá trình Công ty SSA Marine International nghiên cứu hợp tác đầu tư tại Chân Mây. Tỉnh sẽ có trách nhiệm trong việc thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, chủ hàng vào làm hàng tại cảng Chân Mây, bên cạnh đó đề nghị Công ty nỗ lực kêu gọi các hãng tàu vào làm hàng. Đồng thời khẳng định sự vào cuộc của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ở mức cao nhất có thể nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp khi vào đầu tư.

Phó chủ tịch Nguyễn Văn Phương cho biết sẽ giao Ban quản lý Khu kinh tế- Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, làm đầu mối để đồng hành, hỗ trợ Công ty SSA Marine International và hy vọng sẽ có một nghiên cứu tốt, khả thi cho việc hợp tác đầu tư.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế- Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, khu vực Chân Mây được định hướng sẽ hình thành đô thị cảng trong tương lai (theo định hướng đã được Chính phủ phê duyệt). Cảng Chân Mây hiện được quy hoạch là cảng tổng hợp sẽ có bến hàng rời, bến container, ngoài ra còn có 2 bến chuyên dùng là bến xăng dầu và bến du lịch. Hiện đã có bến số 1, sắp tới sẽ hoàn thành thêm 2 bến cảng số 2 và số 3 nữa trong năm nay.

Ngọc Tân

Báo Đầu tư