Để áo dài Việt Nam được UNESCO công nhận
Cập nhật: 03/07/2020
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” với sự tham gia của nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, khách mời, nghệ nhân và nhà thiết kế… Đây là một trong những điểm nhấn trong chuỗi hoạt động chuẩn bị ghi danh áo dài vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO.

Chứa đựng tâm hồn, tính cách người Việt

Áo dài ngày càng khẳng định được vị thế là bộ trang phục phụ nữ, do người Việt Nam sáng tạo, là biểu tượng bản sắc văn hóa Việt, thể hiện tâm hồn và vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, không chỉ mang lại cho người Việt Nam mà còn cho cả người nước ngoài nhiều cảm xúc đặc biệt, đó là nhận định của Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa. 

Cùng nhận định này, nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng, nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài, cũng cho rằng: “Áo dài thể hiện rõ đặc điểm tính cách của phụ nữ Việt Nam, đẹp một cách tế nhị, kín đáo; cái đẹp ngoại hình phải thấy được sự dịu dàng, ý tứ và đạo đức bên trong. Áo dài cũng lan tỏa tới các trung tâm thời trang tại Paris, New York, Milan, Tây Ban Nha... qua những bộ sưu tập với góc nhìn cảm hứng sáng tạo mới từ áo dài Việt Nam của các nhà thiết kế như Giorgio Armani, Ralph Lauren, Calvin Klein...”. 

Mặc dù có một lịch sử lâu đời và phổ biến trong đời sống hiện đại, nhưng các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu biết tường tận lai lịch, những bước thăng trầm và những biến đổi không ngừng của trang phục này để định hình một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng văn hóa và biểu tượng trang phục của người phụ nữ Việt Nam. Chính bởi vậy, việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này là hết sức cần thiết.

Biểu diễn áo dài trong chương trình "Ký ức Hội An"

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh như thế. Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể áo dài sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.

Đường đến UNESCO còn nhiều gian nan

Ghi danh áo dài thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bước quan trọng, là nền tảng để xây dựng hồ sơ áo dài trình UNESCO theo Công ước 2003. Ý tưởng này không mới, nhưng gần đây càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Lo ngại này không vô căn cứ, bởi 2 năm trước từng xảy ra sự việc nhà thiết kế nước ngoài sao chép thiết kế áo dài của Việt Nam.

“Việc khẳng định bản quyền áo dài của Việt Nam cần được đặt ra một cách cấp thiết và nhanh chóng thực hiện”, GS-TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nói. Nhắc lại câu chuyện về việc mất thương hiệu nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên và rất vất vả mới giành lại được, GS-TS Từ Thị Loan cho rằng, với áo dài, nếu không quyết liệt thì dễ dẫn tới mất bản quyền.

“Cần chiến lược lâu dài xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới, kiến tạo một nền công nghiệp áo dài riêng mang thương hiệu Việt Nam. Muốn thế, việc may mặc, quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia”, GS-TS Từ Thị Loan góp ý.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thị Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), muốn xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO, chúng ta cần xác định khía cạnh phi vật thể của áo dài để đưa ra tên, nội hàm, xác định cộng đồng chủ thể, trung tâm di sản, vùng lan tỏa và kiểm kê di sản. Trước khi xây dựng hồ sơ, các địa phương được coi là trung tâm của di sản áo dài cũng phải thực hiện kiểm kê để đưa di sản này vào danh mục kiểm kê quốc gia; làm hồ sơ để đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quy định của chính sách bảo vệ di sản của Việt Nam.

Có cái nhìn lạc quan hơn, TS Bùi Hoài Sơn (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, đối với UNESCO, lịch sử truyền thống là vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là truyền thống đó được sử dụng như thế nào trong đời sống đương đại. Áo dài của chúng ta có một lịch sử lâu đời là vô cùng quan trọng, nhưng trong bối cảnh hiện thời, áo dài có tác động với văn hóa, xã hội và con người Việt Nam là điều UNESCO quan tâm. Đời sống của di sản trong xã hội đương đại và đóng góp của di sản đó trong cuộc sống đương đại, đó là điểm nhấn mà UNESCO mong muốn các di sản thể hiện. Họ sẽ tôn vinh các di sản phi vật thể đại diện theo một trong những tiêu chí quan trọng đó.

Mai An

Báo Sài gòn giải phóng