An Giang: Bay trên Phụng Hoàng Sơn
Cập nhật: 30/11/2020
Lần đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ, chương trình biểu diễn dù lượn được tổ chức với sự tham gia của hơn 90 phi công dù lượn trong cả nước. Với chủ đề “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”, núi Cô Tô (Tri Tôn, An Giang) trở thành địa điểm bay mới, hấp dẫn giới đam mê dù lượn, mở ra thêm điểm nhấn cho du lịch (DL) vùng Bảy Núi.

Dù lượn được xem là thiết bị bay cá nhân gọn nhẹ nhất hiện nay trên thế giới. Tại sự kiện dù lượn “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”, ngoài bay Paragliding (dù lượn thông thường) từ Vồ Hội, các phi công còn bay biểu diễn Paramotor (dù lượn có động cơ) để phục vụ hàng ngàn người dân, du khách.

Biểu diễn dù lượn từ Phụng Hoàng Sơn

Điểm bay lý tưởng

Với đặc thù sông núi hữu tình, nhiều danh lam thắng cảnh, Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển môn dù lượn (Paragliding). Những năm gần đây, hàng chục câu lạc bộ (CLB), hội dù lượn ra đời, thu hút khoảng 800 phi công dù lượn khắp mọi miền Tổ quốc tham gia. Tuy nhiên, để tìm được điểm bay phù hợp không phải dễ. Tính đến nay, cả nước chỉ có khoảng 20 điểm bay dù lượn, chủ yếu tập trung ở vùng núi Tây Bắc (Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai), điểm bay ở Quảng Ninh, TP. Đà Nẵng…

“Riêng ở miền Nam rất khó tìm được điểm bay đạt yêu cầu, kể cả vùng Tây Nguyên. Tại khu vực miền Đông, rất nhiều người thích chơi dù lượn nhưng không có điểm bay. Đặc thù của dù lượn là ngoài yếu tố về độ cao địa hình, còn phải phù hợp về điều kiện thời tiết, sức gió… Điều quan trọng nhất là phải có điểm cất cánh trên núi đủ mặt bằng rộng và thuận lợi”- ông Nguyễn Hữu Nam, thành viên Hội Dù lượn TP. Hà Nội, người được xem là phi công dù lượn cao tuổi nhất Việt Nam (69 tuổi), chia sẻ.

Trong những chuyến khảo sát tìm điểm bay mới ở miền Nam, Hội Dù lượn TP. Hà Nội đã phát hiện ra điểm bay trên Phụng Hoàng Sơn (xã Núi Tô, Tri Tôn). “Điều kiện địa hình, thời tiết, sức gió ở đây rất phù hợp để bay được nhiều thời điểm trong năm, mặt bằng điểm bay trên Vồ Hội (xã Núi Tô) rất thuận lợi cho phi công cất cánh. Khi trao đổi về xây dựng điểm bay mới, chúng tôi được lãnh đạo địa phương nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện tối đa. Trong quá trình bay thử, kết quả đạt được rất tốt. Từ độ cao trên Phụng Hoàng Sơn, quan sát toàn cảnh vùng Bảy Núi rất đẹp. Tôi nghĩ đây là điểm bay mới rất lý tưởng. Thông qua môn thể thao này, sẽ thu hút nhiều bạn trẻ và du khách đến với An Giang” - ông Nam nhận định.

Nhận định của phi công dù lượn cao tuổi nhất Việt Nam là có cơ sở bởi thực tế đã có một số địa phương phát triển DL thành công từ dù lượn. Điển hình như tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), việc tổ chức các sự kiện bay trên thung lũng Lìm Mông - đèo Khau Phạ đã thu hút hơn 100 phi công dù lượn tham gia, có cả phi công dù lượn nước ngoài.

Nếu như năm 2013, chỉ có khoảng 1.000 du khách đến tham quan ruộng bậc thang Mù Cang Chải (được công nhận là Danh thắng Quốc gia năm 2007, xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2019) thì tại sự kiện Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” năm 2020, có trên 52.000 lượt khách DL đã đến với Mù Cang Chải, mang về doanh thu DL hơn 84 tỷ đồng.

“Để có được thành công này, tỉnh Yên Bái đã cho bạt núi làm điểm cất cánh, đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ lên Mù Cang Chải. Khi dịch vụ DL nơi đây phát triển, khách DL về nhiều, thu nhập của người dân cũng tăng lên. Mỗi lần tổ chức sự kiện bay, có trên 500 du khách đăng ký bay cùng phi công dù lượn dù giá vé cho dịch vụ này là 2 triệu đồng/lượt người” - ông Nam thông tin thêm.

Đua bò Bảy Núi

Kỳ vọng Bảy Núi

Ngày 28 và 29-11, tại khu vực hồ Soài Chek (ấp Tô Hạ, xã Núi Tô), UBND huyện Tri Tôn phối hợp Hội Dù lượn TP. Hà Nội tổ chức chương trình biểu diễn dù lượn với chủ đề “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”. Đây là lần đầu tiên, điểm bay mới ở ĐBSCL chính thức trình làng khán giả và giới đam mê dù lượn cả nước. Cũng dễ hiểu khi có hơn 90 phi công dù lượn đến từ các hội, CLB dù lượn ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, TP. Nha Trang (Khánh Hòa)… tham gia bay bởi đây là điểm bay mà nhiều người đã cất công tìm kiếm và mong đợi từ lâu.

Với độ cao 614m so mực nước biển, Phụng Hoàng Sơn là ngọn núi cao thứ 2 trong dãy Thất Sơn vùng vĩ (chỉ sau núi Cấm, 705m). Điểm được chọn làm “sân bay” là vồ Hội trên Phụng Hoàng Sơn, nơi có độ cao khoảng 350m so với mực nước biển. Các phi công dù lượn cất cánh từ  vồ Hội, lượn vài vòng trên cánh đồng lúa chín trước khi đáp xuống sân đua bò Bảy Núi.

Nhân sự kiện đặc biệt này, CLB Dù lượn miền Tây với tên gọi “Miền Tây bay” cũng đã chính thức ra mắt, quy tụ những bạn trẻ có chung niềm đam mê ở khu vực ĐBSCL cùng tham gia. Để gieo “hạt giống” thúc đẩy phong trào dù lượn miền Tây phát triển, phi công dù lượn cao tuổi nhất Việt Nam Nguyễn Hữu Nam (thành viên Hội Dù lượn TP. Hà Nội) đã tặng bộ dụng cụ bay dù lượn cá nhân cho CLB. “Tôi mong rằng với niềm đam mê của giới trẻ ĐBSCL, bộ môn dù lượn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Phụng Hoàng Sơn là một điểm bay mới rất hấp dẫn, phong cảnh rất đẹp, món ăn lại ngon. Tôi nghĩ trong tương lai, nếu được đầu tư hạ tầng tốt hơn cho du khách đến Soài Chek cũng như tạo thuận lợi về giao thông lên điểm bay, DL nơi đây sẽ phát triển mạnh” - ông Nam kỳ vọng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang kiêm Trưởng ban Tổ chức chương trình biểu diễn dù lượn “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” cho biết, đây là môn thể thao mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình của huyện Tri Tôn, lần đầu tiên được tổ chức ở ĐBSCL. Dịp này, huyện kết hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá DL địa phương. Song song với bay dù lượn, 8 đôi bò đua tốt nhất trên địa bàn huyện cũng tham gia biểu diễn đua bò Bảy Núi. Các đôi bò thi đấu lần lượt theo thứ tự bốc thăm, thực hiện 1 vòng hô và 1 vòng thả, chọn đôi bò thắng cuộc tiếp tục vào vòng trong. Hoạt động này nhằm tái hiện cho khán giả và du khách xem loại hình thể thao đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi. Xen giữa hoạt động là những tiết mục văn nghệ Khmer truyền thống; trưng bày, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện Tri Tôn, những sản phẩm, loại hình DL đặc thù…

“Việc tạo ra nhiều sản phẩm DL phong phú, đa dạng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Tri Tôn, tạo bước đột phá để phát triển DL theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại” - ông Giang nhấn mạnh.

Ngô Chuẩn

 

Báo An Giang