Hội thảo Chính sách phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam
Cập nhật: 15/11/2020
Nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học góp ý về các chính sách, giải pháp phát triển du lịch tại các vườn quốc gia (VQG) và khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN), Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo “Chính sách phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam” vào ngày 13/11/2020 tại Hà Nội.

TS. Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch phát biểu tại Hội thảo

Thông tin tại Hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: Năm 2020, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp phát triển du lịch tại các VQG và KBTTN. Qua khảo sát cho thấy còn rất nhiều bất cập liên quan đến phát triển du lịch sinh thái ở các VQG và KBTTN; phát sinh nhiều mặt tiêu cực khi phát triển du lịch gắn với bảo tồn VQG và KBTTN. Hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các VQG và KBTTN chưa hoàn thiện, chủ yếu mang tính định hướng, việc phát triển du lịch thiếu quy hoạch đã ảnh hưởng tới phát triển bền vững ở các VQG và KBTTN.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu, TS. Lê Văn Minh - chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu đã đánh giá chung về việc thực thi các chính sách về quản lý, phát triển du lịch tại các VQG, KBTTN ở Việt Nam hiện nay, cũng như thực trạng phát triển du lịch tại các VQG, KBTTN; qua đó đề xuất 4 nhóm chính sách (chính sách về đầu tư phát triển du lịch sinh thái; chính sách về thuế; chính sách xã hội hóa du lịch; chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững) và 8 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển du lịch tại các VQG và KBTTN (giải pháp về quy hoạch; đầu tư; tổ chức quản lý; quản lý liên ngành, liên địa phương; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái; ứng dụng khoa học công nghệ; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; nâng cao nhận thức cộng đồng).

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học đồng tình rằng Việt Nam với 165 khu rừng đặc dụng (33 VQG, 57 khu dự trữ thiên nhiên, 13 khu bảo tồn loài - sinh cảnh, 53 khu bảo vệ cảnh quan, 9 khu dự trữ sinh quyển) có tính đa dạng sinh học cao, cùng nhiều loài đặc hữu quý hiếm cần được bảo tồn, là tiềm năng lớn và là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch sinh thái - một trong các dòng sản phẩm du lịch chính, có khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Hoạt động du lịch sinh thái ở các VQG và KBTTN phát triển góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, cải thiện thu nhập cho cộng đồng; góp phần cho công tác bảo tồn các hệ sinh thái và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sinh thái tại những khu vực này còn thiếu tính chuyên nghiệp, quy hoạch chưa bài bản; hiện lượng khách du lịch mới tập trung chủ yếu tại một số VQG và KBTTN như Cúc Phương, Cát Tiên, Hoàng Liên, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hòn Mun - Nha Trang... Hầu như, các chính sách và hành lang pháp lý hiện hành như Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Du lịch, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP... mới chỉ mang tính định hướng, chưa có quy định, tiêu chuẩn cụ thể để tổ chức du lịch sinh thái; còn thiếu các chế tài xử lý sai phạm, thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể để triển khai các hoạt động tổ chức liên doanh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng để tổ chức kinh doanh du lịch; việc định lượng các giá trị của tài nguyên rừng và dịch vụ môi trường gặp nhiều khó khăn; cơ chế tài chính hiện hành chưa được xác định rõ ràng, chưa tạo động lực thúc đẩy các VQG và KBTTN phát triển du lịch sinh thái.

Để các nhóm chính sách, giải pháp được đề xuất mang tính khả thi cao hơn, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đến từ Tổng cục Du lịch, Viện Môi trường phát triển bền vững, Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, IUCN, Đại học Lâm nghiệp… đưa ra nhiều góp ý về vấn đề phát triển du lịch sinh thái “đích thực” ở các VQG, KBTTN gắn với giáo dục về môi trường, bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa và phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương; các chính sách, giải pháp làm sao để kết hợp giữa tư duy phục vụ và tư duy bảo tồn; lựa chọn chủ đầu tư, đơn vị liên kết đưa ra sản phẩm du lịch phù hợp, khuyến cáo và lựa chọn đúng đối tượng khai thác…

Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết Viện Nghiên cứu phát triển du lịch sẽ tiếp thu những ý kiến hữu ích góp ý tại hội thảo để hoàn thiện nhiệm vụ, đưa ra các đề xuất để Bộ VHTTDL trong quá trình xây dựng chính sách có tính khả thi cao hơn.

Hạ Tinh

Tạp chí Du lịch