Gia Lai: Pờ Yầu - Làng trên núi
Cập nhật: 25/05/2021
Dịp cuối tuần, tôi muốn đến một nơi còn đậm chất Tây Nguyên, một làng xa thực sự. Sau vài lời tư vấn, bạn chở tôi đến Pờ Yầu - ngôi làng xa nhất của xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Pờ Yầu nằm ẩn sâu trong những cánh rừng già. Đó có lẽ là làng xa nhất mà tôi được đặt chân đến cho tới thời điểm này. Từ xa, con đường bê tông 13 km mới được hoàn thành nằm vắt vẻo qua dãy núi như dải mây nhẹ hạ xuống khi chiều về chạy ngoằn ngoèo trên sườn núi.

Sau khi vượt qua cánh đồng chuối xanh mướt, qua thung sâu có những cánh đồng lúa chín vàng rực thì đến cửa rừng. Những cây gỗ hương lớn có hoa màu vàng nở thoang thoảng hương. Ở trạm kiểm lâm, những người gác rừng hỏi chúng tôi mấy câu, khi thấy tay xách nách mang kẹo bánh cho tụi trẻ thì họ cho qua.

Con đường trước mặt chỉ toàn dốc là dốc. Suốt quãng đường ba mươi phút, không hề gặp chiếc xe nào ngược lại dù đường rất đẹp, có đoạn gấp khúc cong như khuỷu tay, con đường cứ mải miết luồn qua những tán cây cổ thụ rợp bóng để vào làng.

Nhờ sự quan tâm của tỉnh, đường vào Pờ Yầu hôm nay đã được bê tông hóa chắc chắn, có đoạn phải xẻ đá thông qua, đá được xếp chồng lên nhau ven đường lạ mắt cũng là điểm để chúng tôi dừng xe chụp ảnh. Phía dưới là thung sâu, cây bụi xen lẫn dây leo um tùm, thoảng tiếng chim trong nắng chiều. Những thảm cỏ nằm xen trong đá đã xanh mơn mởn sau vài cơn mưa đầu mùa.

Con đường cứ dốc lên rồi dốc xuống. Nhìn phía sau lưng là nông trại, đất đai bằng phẳng của những doanh nghiệp mới đầu tư gần đây. Còn phía trước dưới tán cây mờ mịt của rừng già là những mái tôn màu đỏ nhỏ xíu như đồ chơi xếp hình thấp thoáng nhà sàn của người làng. Pờ Yầu nằm tách biệt với các làng còn lại của xã Lơ Pang.

Cậu em tôi - một người con của Lơ Pang công tác tại Công an huyện Mang Yang - kể: “Mấy hôm đi làm căn cước công dân, Pờ Yầu đi cả làng, lái cả xe công nông đi. Em hỏi: “Thế người lớn đi hết, để làng ở lại, người ta lấy làng thì sao”. Bà con cười bảo rằng, trong làng chưa bao giờ có mất cắp, với lại làng ở xa lại nghèo nên cũng không sợ. Dân làng ở lại làm căn cước, người này chờ người kia nấu cơm mang đến trụ sở UBND xã đến chiều mới về”.

Làng Pờ Yầu hôm nay. Ảnh: Phạm Ngọc

Làng hiện ra thấp thoáng rồi rõ dần, cửa ngõ vào làng treo 2 hình nộm, bên này là người cầm kiếm, bên kia người cầm cung tên được treo lên 2 bên cây to. Người ta giải thích cho tôi đó là hiệp sĩ bảo vệ làng, trấn làng cho dân làng yên ổn làm ăn. Tôi đã đi nhiều làng nhưng những hiệp sĩ hình nộm thì lần đầu tiên tôi thấy, họ vẽ mặt từ quả bầu khô hay chiếc mũ bảo hiểm vỡ, kết cây đót thành tóc và người.

Làng nằm chon von trên đỉnh núi, đỉnh núi ấy được san đi để những ngôi nhà sàn mọc lên giữa rừng già rậm rạp. Bao quanh làng là những dãy núi cao quây tròn như che chở cho làng được yên bình qua năm tháng.

Pờ Yầu có lúa, có mì, có bời lời... nhưng người dân vẫn nghèo lắm. Những căn nhà sàn nho nhỏ nằm nem nép từa tựa vào nhau, cả làng sống quần tụ và quây quần vào núi. Trường tiểu học và mẫu giáo phân hiệu làng Pờ Yầu cũng nằm chênh vênh trên đỉnh núi quay về hướng mặt trời lặn. Một cô giáo kể với tôi, lớp 1+3 có 20 học sinh, lớp 2 có 17 học sinh và lớp 4+5 có 28 học sinh. Các em rất ngoan, đi học chuyên cần, yêu thương cô giáo, chỉ tội thiếu thốn quần áo, giày dép, bút mực.

Trời chiều, thảng tiếng chim đập cánh lạc bầy. Tối sụp đến rất nhanh. Cơn gió chiều thông thốc thổi, cây phượng đỏ ối nở đỏ cả khoảng trời lồng lộng xanh rụng những bông xuống mặt đường. Những đứa trẻ đã theo ba mẹ đi rẫy trở về nhà. Ánh điện bắt đầu được bật lên trong những mái nhà. Chúng tôi xuống núi.

Trong ánh sáng yếu ớt của đêm, những tàng cây cổ thụ bắt đầu tỏa ra mùi hương dịu nhẹ. Bên những nếp nhà, từng làn khói mảnh bay lên từ đỉnh núi với mùi cơm thơm ban chiều. Tôi nhủ thầm, sẽ còn trở lại Pờ Yầu lần nữa bởi vì một lần đi qua tôi chưa ghi nhớ hết được những chi tiết của nơi này, một ngôi làng nằm trên đỉnh núi.

Về đến nhà, tôi viết đôi dòng trên trang Facebook cá nhân: “Tôi đã trở về trên núi cao”, mượn tên một cuốn sách của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Bạn tôi nhắn hỏi: “Ủa, hồi giờ tưởng cậu đã ở trên núi”. Tôi đáp, ừ thì cũng là dân miền núi nhưng núi cao thì vẫn có núi cao hơn, có những đỉnh núi mà tôi chưa được đặt chân đến bao giờ.

Tạ Ngọc Điệp

Báo Gia Lai