Thái Nguyên: Bảo tồn văn hoá dân tộc Sán Dìu
Cập nhật: 04/06/2021
Mặc dù đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn xã Cổ Lũng (Phú Lương) chiếm tới 25%, thế nhưng những giá trị văn hoá truyền thống như tiếng nói, trang phục, làn điệu Soọng cô, Lễ cấp sắc đang dần bị mai một. Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn cũng như lưu giữ lại cho các thế hệ sau, chính quyền địa phương và những người cao tuổi có tâm huyết đang vào cuộc để tìm lại những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp trên.

Các thành viên trong CLB biểu diễn làn điệu Soọng Cô.

Xã Cổ Lũng có 2.806 nhân khẩu với gần 10.000 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Sán Dìu) chiếm trên 35%, trong đó 25% là đồng bào Sán Dìu, tập trung chủ yếu ở 6 xóm là Đường Goòng, Cổ Lũng, Làng Phan, Làng Ngói, Làng Đông, Đồng Sang. Cùng cán bộ văn hoá xã Cổ Lũng, chúng tôi đến xóm Làng Ngói, nơi đồng bào dân tộc Sán Dìu của xã sinh sống chiếm tới 70%. Bà Lưu Thị Thu, năm nay đã bước sang tuổi 75 nhưng vẫn nhớ như in điệu Soọng cô. Bà Thu tâm sự: Thời còn thanh niên, mỗi khi đi làm đồng, tôi thường được nghe các bà, các chị hát Soọng cô. Điệu hát ngọt ngào, vang vọng, ca ngợi về thiên nhiên, công lao cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có hiếu..., nhưng hiện nay, gần như không còn ai biết hát Soọng cô.

Còn ông Đặng Văn Tám, một trong số ít người còn lưu giữ được trang phục và biết đọc, biết viết được chữ Hán (chữ viết của đồng bào Sán Dìu) chia sẻ: Nếu trước đây, trang phục của đồng bào thường được mặc trong sinh hoạt hàng ngày thì nay lại trở thành của hiếm trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu nơi đây. Chỉ còn tôi và 4 người khác còn giữ được trang phục dùng để mặc trong nghi lễ cấp sắc.

Trước thực trạng trên, tháng 4 vừa qua, Câu lạc bộ (CLB) Văn hoá, văn nghệ dân gian dân tộc tộc Sán Dìu xã Cổ Lũng đã được thành lập, với 32 thành viên tham gia và đều ở xóm Làng Ngói. Ông Lưu Thanh Hiền, Chủ nhiệm CLB cho biết: Thành lập CLB là mong mỏi từ nhiều năm nay của đông đảo đồng bào dân tộc Sán Dìu trong xóm. Bởi có như vậy mới có hy vọng khôi phục và giữ gìn được những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc mình. Ngay sau khi CLB ra mắt, 5 thành viên trong Ban Chủ nhiệm chúng tôi đang tích cực sưu tầm tài liệu, hình ảnh về đặc điểm trang phục của đồng bào trước đây để tạo ra những bộ trang phục sát với thực tế hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để truyền dạy cho con cháu về tiếng nói, chữ viết trong dịp nghỉ hè sắp tới nếu dịch COVID-19 không còn diễn biến phức tạp.

Với mục đích bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá, nghệ thuật dân gian truyền thống tốt đẹp của DTTS trước nguy cơ bị mai một; hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, vừa qua, Vụ Văn hoá Dân tộc (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và huyện Phú Lương tổ chức lớp tập huấn cho các thành viên trong CLB về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Đồng thời, hỗ trợ thiết bị âm thanh, kinh phí để CLB tổ chức sinh hoạt và tập luyện.

Ông Vũ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng phấn khởi cho biết: Việc hỗ trợ của Vụ Văn hoá Dân tộc được coi là nguồn cổ vũ, động viên lớn đối với các thành viên trong CLB bởi đời sống của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn xã vẫn còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, xã sẽ huy động các nguồn xã hội hoá để hỗ trợ CLB nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.

Vũ Công

Báo Thái Nguyên