Bến Tre chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp
Cập nhật: 13/08/2021
Trong thời gian qua, du lịch Bến Tre có bước phát triển, đạt được những kết quả quan trọng. Sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp từng bước được cải thiện, bước đầu tạo dựng được thương hiệu du lịch sinh thái, sông nước xứ dừa.  

Theo Thạc sĩ Phan Thị Ngàn, Khoa du lịch và Việt Nam học, Đại học Nguyễn Tất Thành, chủ nhiệm đề tài “Xây dựng mô hình nông dân Bến Tre làm du lịch”, khu vực nông thôn của xứ dừa sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú.

Nguồn tài nguyên đó gắn với bản sắc văn hóa và tập quán canh tác lâu đời ở Bến Tre và là yếu tố đầu vào quan trọng hình thành nên điểm đến và sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Khách tham quan một vườn cây ăn trái tại Bến Tre.

Bến Tre là tỉnh nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển, diện tích đất nông nghiệp chiếm 75,99%. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 32,3% vào năm 2019. Trong đó, công nghiệp: 18,83%; dịch vụ; 45,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,05%.

Điều này cho thấy, nông nghiệp và dịch vụ là những khu vực kinh tế vô cùng quan trọng của Bến Tre. Khu vực nông thôn chiếm vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, hoạt động sản xuất nông nghiệp khó đạt được giá trị gia tăng cao, khu vực nông thôn phải đối mặt với những vấn đề về phát triển bền vững.

Từ thực tiễn đó, phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp đem lại lợi ích kép thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, hình thành cơ sở kinh tế dịch vụ tại khu vực nông thôn, đem lại sinh kế cho người nông dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái và hỗ trợ ngược lại cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.

Phát triển du lịch nông nghiệp đồng thời đem lại thu nhập, cảnh quan, phát triển kinh tế du lịch, bảo tồn để tăng sinh kế cho người dân, đem lại các giá trị tinh thần, vật chất, gắn kết cộng đồng.

Phát triển du lịch nông nghiệp sẽ đảm bảo được mục tiêu chính trị quan trọng trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp Bến Tre nói riêng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội; sản phẩm du lịch chưa thật hấp dẫn, khác biệt và khả năng cạnh tranh chưa cao.

Du lịch nông nghiệp ở Bến Tre chủ yếu mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một tỉnh nông nghiệp.

Một trong những điểm kinh doanh lưu trú và ăn uống của người dân Bến Tre.

Chính bởi nông dân vẫn “đứng bên ngoài”, việc khai thác du lịch một cách thiếu trách nhiệm cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và môi trường địa phương.

Với thực trạng trên, thực sự cần có sự quy hoạch tổng thể du lịch nông nghiệp địa phương theo hướng phát triển bền vững; hướng dẫn chi tiết người dân làm du lịch; hỗ trợ chính quyền địa phương có công cụ quản lý điểm du lịch hiệu quả.

Thực hiện tổng thể và chi tiết du lịch nông nghiệp tại địa phương, đây sẽ thực sự là động lực quan trọng và vô cùng ý nghĩa, góp tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn thông qua phát triển dịch vụ du lịch; hỗ trợ cho người dân khởi nghiệp du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, áp dụng các công nghệ mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn.

Đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cung cấp dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào GDP của khu vực nông thôn, trước những diễn biến ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm ngập mặn, giá cả nông sản không ổn định.

Nguyễn Nam

Báo Sài Gòn Tiếp Thị