Bắc Giang: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Cập nhật: 10/09/2021
Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú, hệ thống dịch vụ đã và đang được đầu tư đồng bộ, Bắc Giang phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch Bắc Giang, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 112- NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. 

Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh tư liệu Việt Hưng

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa trở thành khu du lịch quốc gia, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc. 

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tất cả các tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; đón được ít nhất 3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 6 nghìn lao động. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững; phấn đấu đón được 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng 10 nghìn việc làm.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Có thể nói, dư địa cho phát triển du lịch của Bắc Giang còn lớn. 

Việc đặt vấn đề phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng lúc này vừa phù hợp và tận dụng được cơ hội, xu hướng phát triển du lịch nói chung, vừa phù hợp với thực tiễn tỉnh ta. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia phát triển du lịch; làm tốt công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm có tiềm năng lớn. 

Cùng đó, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và hợp tác, liên kết phát triển du lịch...

Theo đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy, đặt trọng tâm vào phát triển du lịch có chất lượng, thương hiệu, tính chuyên nghiệp và hiện đại trên cơ sở khai thác tối ưu nguồn lực và lợi thế. Chủ động phát triển sản phẩm du lịch mới có sức hút, ưu tiên phát triển sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh như sân golf, du lịch văn hóa tâm linh, tham quan, nghỉ dưỡng, lễ hội, kinh tế ban đêm.

Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn với vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống, các sản phẩm nông nghiệp nông thôn, di sản văn hóa... 

Cùng đó phải có tư duy phát triển du lịch là quyền lợi, trách nhiệm của cả doanh nghiệp (DN), Nhà nước, cộng đồng và người dân. Muốn vậy, cần làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội. Bảo đảm phát triển du lịch sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, cải thiện cuộc sống cho người dân. Phát triển du lịch xanh, gắn với bảo vệ môi trường.

Chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển du lịch về đất đai, thuế, tín dụng để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này, khai thác tài nguyên, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, tháo gỡ khó khăn, rào cản về thủ tục hành chính cho DN… 

Tăng cường hợp tác công tư thu hút nguồn lực phát triển du lịch, cùng với tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng số và tiếp cận tài chính. Ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch hiện đại, đồng bộ; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các khu vực động lực phát triển du lịch và khu vực có tiềm năng; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu, điểm du lịch; đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trong du lịch, hướng tới hình thành, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ số vào hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

Đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến quảng bá du lịch nhằm vào thị trường mục tiêu theo hướng lấy sản phẩm và thương hiệu du lịch làm tiêu điểm; coi trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo bảo đảm tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. 

Bên cạnh tăng cường hợp tác với các tỉnh, TP cần kết nối với các DN, tập đoàn lớn. Đặc biệt là liên kết với những DN du lịch hàng đầu cả nước để tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư. Tỉnh cũng cần nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi để kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích các DN lữ hành xây dựng tour mới, sản phẩm du lịch độc đáo kết nối giữa các địa phương trong liên kết để nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Bắc Giang thực sự là ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững, đón được 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng 10 nghìn việc làm.

TS. Phùng Minh

Báo Bắc Giang