Phú Yên: Chuẩn bị kích cầu du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát
Cập nhật: 15/09/2021
Bộ VHTTDL vừa ban hành kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021, nêu rõ cần bảo đảm mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Khách du lịch đến tham quan Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa hồi đầu năm 2021, thực hiện các biện pháp an toàn, phòng dịch. Ảnh: Trần Quới

Theo đó, bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi về du lịch cho khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vắc xin, phù hợp với hệ thống công nhận của quốc tế. Phú Quốc (Kiên Giang) là địa phương đầu tiên thí điểm đón khách quốc tế vào tháng 10 và dần mở rộng tới Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Du lịch an toàn

Đối với khách du lịch lúc này, ngoài các tiêu chí bắt buộc về an toàn cá nhân thì các sản phẩm du lịch phải phù hợp với xu hướng hậu COVID-19. Đó là sản phẩm du lịch an toàn, điểm đến an toàn, gắn với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái về với thiên nhiên, du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch đêm, ẩm thực, du lịch sinh thái, golf... cũng được đầu tư phát triển. Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ; làm mới, bổ sung giá trị gia tăng cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ.

Cùng với đó, ngành Du lịch sẽ triển khai các chiến dịch kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”. Ngành Du lịch sẽ nâng cấp các ứng dụng sẵn có, như du lịch Việt Nam an toàn (www.safe.tourism.com.vn), hệ thống khai báo y tế và hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc xin (www.travelpass.tourism.vn) cũng như hệ thống thông tin về các khu du lịch... Truyền thông giới thiệu, mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn, cập nhật thông tin các chương trình du lịch mới, có ưu đãi; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán sản phẩm kích cầu với giá ưu đãi, cam kết chất lượng.

Bộ cũng đề xuất triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với hoạt động khôi phục kinh doanh, trả lương cho người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như miễn, giảm thuế với phí kích cầu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo nghề... Các sở quản lý du lịch tham mưu UBND cấp tỉnh/thành phố triển khai chính sách kích cầu như mở cửa điểm đến an toàn trong COVID-19 và miễn, giảm lệ phí tham quan.

Nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đề xuất Chính phủ cấp thẻ thông hành xanh cho người tiêm đủ liều vắc xin, sẽ được đi lại, du lịch, các hoạt động hội họp, sự kiện, ăn uống, giải trí... Hiện có 40 quốc gia/vùng lãnh thổ và 6 tổ chức quốc tế đã triển khai chứng nhận an toàn COVID-19 bằng thẻ thông hành xanh. Cũng theo TAB, thẻ thông hành xanh sẽ tích hợp thông tin định danh cá nhân; thông tin y tế phòng dịch COVID-19 (chứng nhận tiêm chủng vắc xin, kết quả xét nghiệm âm tính...). Ngoài ra, thẻ có thể hiển thị mã QR và tích hợp các thông tin cơ quan quản lý quy định.

Sớm tiêm chủng cho lao động ngành Du lịch

Để đảm bảo hoạt động du lịch trở lại, một trong những điều kiện tiên quyết là ưu tiên thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, người lao động trong lĩnh vực du lịch, ăn uống, vận tải... Đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế phòng, chống COVID-19, tổ chức thực hiện tốt quy định 5K.

Phú Yên là một trong tám tỉnh kiểm soát tốt tình hình dịch trong cả nước. Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ, nới lỏng mức giãn cách xã hội, mở lại các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch.

Điều này cho thấy dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát và tiến tới trạng thái bình thường mới. Đây là thời điểm cần có những bước chuẩn bị cần thiết cho các hoạt động du lịch an toàn trở lại.

Theo Hiệp hội Du lịch Phú Yên, đã hơn 2 năm nay, ngành Du lịch dần như dừng hoạt động, gần 5 tháng đóng cửa hoàn toàn. Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch quá khó khăn, mong muốn sớm phục hồi, được hoạt động trở lại với phương thức du lịch an toàn.

Để chuẩn bị cho sự phục hồi, một trong những điều mong mỏi của ngành Du lịch là tiêm vắc xin cho người lao động trong ngành. Anh Bùi Nguyễn Vi Đông, Giám đốc Chi nhánh Long Phú (Công ty CP Du lịch Long Phú), Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn viên Phú Yên, cho biết hiện đã có đối tác đề nghị lên kế hoạch, chuẩn bị hồ sơ năng lực đón khách cho thời gian sắp tới. Theo đó, yêu cầu của họ ngoài điểm đến an toàn thì người lao động từ phục vụ nhà hàng, lễ tân khách sạn, lái xe, hướng dẫn viên… đều đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc xin. “Nhưng hiện tại, người làm du lịch ở Phú Yên chưa được tiêm mũi vắc xin nào thì họ không thể làm việc được. Trong khi các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và nhiều tỉnh lân cận, lao động trong ngành Du lịch đã được tiêm vắc xin đầy đủ”, anh Đông nói.

Theo ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, doanh nghiệp du lịch mong mỏi được hoạt động trở lại khi dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, điều trở ngại và cũng là tâm tư của những người làm du lịch Phú Yên hiện nay là chưa được bố trí tiêm vắc xin. “Hiệp hội đã triển khai đến các doanh nghiệp thành viên chuẩn bị sẵn sàng danh sách, đối tượng tiêm vắc xin, nhưng vẫn chưa tới lượt. Đến nay mới chỉ tiêm vắc xin cho người lao động ở các khách sạn làm khu cách ly tập trung, thành viên ban chấp hành hiệp hội và một số rất ít ở mỗi doanh nghiệp. Anh em làm du lịch mong muốn sớm được tiêm vắc xin để chuẩn bị được hoạt động trở lại”, ông Tiến nói.

Phục hồi du lịch sau khi dịch được kiểm soát nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch bệnh và hoạt động du lịch, lữ hành.

Trần Quới

Báo Phú Yên