Bánh phồng tết quê ngoại
Cập nhật: 08/12/2021
Mấy hôm nay trời se se lạnh, má cứ chặc lưỡi, vẻ mặt rầu rầu: “Gió chướng rồi, nếu không có dịch là giờ này đã tranh thủ về quê phụ ngoại làm bánh phồng tết”. Năm nào cũng vậy, khi gió trở chướng là ngoại tôi và mấy gia đình phụ cận lại vần công nhau làm bánh phồng tết. Tôi cũng nhiều lần được tham dự, cái không khí rộn rã, mùi bánh phồng nướng thơm ngát trên lửa rơm, tiếng bẻ bánh giòn rộm, vị ngon ngọt beo béo xốp tan trên đầu lưỡi…  


Ảnh minh họa: B.T

Tôi vẫn nhớ quang cảnh mọi người đã được phân công và bắt tay vào việc từ sớm, dì Út đã chọn nếp mỡ ngâm, sau đó đãi cho sạch trong những cái thau nhôm to. Trong bếp, dì Hương con bà Sáu nhà cạnh bên thì đang nhóm lửa để chuẩn bị hong xôi, làm bánh phồng nếp trước. Mấy cậu của tôi thì lau rửa chày cối để quết bánh, ống tre cán bánh và lá chuối, phên phơi đã được ngoại tôi chuẩn bị từ trước.

Quết bánh phồng quan trọng nhất là khâu chọn nếp, phải thuần nếp không được lộn gạo, kế đến là phần hong xôi. Dì Út tôi với má đổ xôi vừa chín nóng hổi vào cối, cậu tôi là người quết, má và dì Út thì người vùa, người đảo xôi. Tiếng chày nhịp nhàng, như sự ăn ý của người quết và người vùa, lúc đầu xôi nóng dính cối, má và dì Út dùng tay thấm nước đậu nành xay nhuyễn sẵn đảo liên tục, khi xôi đã nhuyễn thành bột thì rưới nước đường đã thắng sẵn vào vừa đủ độ ngọt và rưới nước đậu nành, nước cốt dừa đến khi bột được nhuyễn, các hạt xôi sẽ tạo thành một khối đồng nhất là chuyển sang bộ phận bắt bánh. Dì Hương với tôi bắt bánh vo thành viên tròn rồi chuyền cho ngoại và bà Sáu cán bánh bằng ống tre già lên nước nhẵn bóng. Trước đó, ngoại cũng chuẩn bị sẵn tô lòng đỏ trứng gà luộc nấu với dầu dừa để thoa lên giấy và ống cán, ngoại nói như vậy bánh sẽ không bị dính, bóng mượt và thơm ngon hơn. Những đôi tay thoăn thoắt, thao tác thật nhanh vì nếu bột nguội sẽ cán không ra, bánh được cán mỏng trên lá chuối, cán xong được để lên những cái phên đan bằng lá dừa tươi, ông tôi mang đi phơi dưới giàn mướp để tránh nắng gắt, ông phải canh trở bánh để khô đều hai mặt, phơi khoảng nửa ngày là bánh khô. Khi ấy, chị em tôi được tham gia gỡ bánh, trên mặt bánh in hằn những đường gân của tấm liếp như hoa văn ẩn hiện trông rất đẹp.

Chiều mát, mấy cậu tôi lại ra vườn nhổ khoai mì, phải chọn những củ to, bột nhiều, mấy dì cùng lột vỏ, ngâm nước qua đêm. Sáng sớm má đã dậy hấp khoai mì, phải hấp chứ không được luộc để tránh khoai bị nhão khi quết, tôi cũng phụ gỡ sợi chỉ cứng trong tâm củ. Trong khi quết, vùa bột, má thêm vào nước đường thắng sẵn và nước cốt dừa cho những chiếc bánh trắng, má làm một số bánh có nước cốt lá dứa màu xanh thơm dịu. Công đoạn cán bánh và phơi cũng giống như làm bánh phồng nếp.

Ông ngoại dùng hai cái sống dừa chẻ ra bằng bàn tay để kẹp bánh, rồi đốt rơm nướng bánh, tiếng nổ lách tách của những hạt lúa còn sót trong rơm thơm quyện cùng bánh phồng. Trước khi nướng, ngoại xé các cạnh để cho cái bánh được nở phồng hơn.

Tất cả các khâu để có chiếc bánh phồng ngon là cả một nghệ thuật. Những chiếc bánh phồng đầu tiên được đem cúng ông bà cố, ngoại nói, hình ảnh của chiếc bánh tròn to là ước mong đủ đầy, viên mãn, trúng mùa. Hy vọng dịch COVID-19 sớm bị đẩy lùi, cuộc sống sớm trở lại bình thường, khi ấy, má con tôi lại cùng ông bà quây quần làm bánh phồng đón tết.

Nguyễn Ngọc Minh Anh

Báo Bạc Liêu