Ở bản nhỏ nằm ven trục đường chính với tiền cảnh là vườn mận, vườn đào thơ mộng, kề bên đồi chè Shan tuyết tươi màu, có một điểm dừng chân độc đáo đang rộng cửa đón khách tới thăm, đó là Mong Space - không gian văn hoá của người Mông. Chủ nhân của điểm đến này là chị Sùng Y Dớ, người dân tộc Mông xóm Trà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu).
Một góc gian trưng bày sản phẩm truyền thống của Mong Space, xã Pà Cò (Mai Châu).
Có lẽ, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Mông là một trong những dân tộc có bản sắc văn hoá truyền thống ít bị mai một hơn cả. Hai xã vùng đồng bào Mông Hang Kia, Pà Cò cũng đang góp sức bảo tồn nét đẹp văn hoá ấy. Là người đầu tiên tạo lập, tái dựng không gian văn hoá đậm chất Mông, chị Sùng Y Dớ mong bằng tâm huyết của mình sẽ giới thiệu, quảng bá nhiều hơn, để những ai có dịp lên đây được tìm hiểu một cách trọn vẹn, đầy đủ về vùng đất Hang Kia, Pà Cò tươi đẹp, thân thiện.
Theo chị Dớ, không gian văn hoá của người Mông giống như bức tranh đa màu sắc, bao gồm từ kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, tiếng nói, trang phục, nghề truyền thống đến lối sống sinh hoạt hàng ngày. Ít gia đình người Mông ở nhà xây mà chủ yếu ở nhà trệt, 3 gian, 2 chái, có từ 2 - 3 cửa, gồm 1 cửa chính và 2 cửa phụ. Về phong tục, tập quán ở mỗi dòng họ có sự khác nhau nhưng ngôn ngữ cơ bản thống nhất. Người Mông ở 2 xã vùng cao Hang Kia, Pà Cò thuộc nhóm Mông Xanh và Mông Đỏ. Vì thế, về trang phục, nam giới thường mặc quần vải đen ống rộng, áo vải đen, phụ nữ mặc váy thêu chỉ đủ sắc màu, màu chủ đạo là xanh và đỏ. Với phụ nữ Mông, từ thơ ấu cho đến lúc trưởng thành đều được cha mẹ dạy cho se lanh, dệt vải, thêu hoa văn khăn, váy áo, thắt lưng… chủ động làm ra trang phục. Các loại nhạc cụ gắn liền với dân tộc Mông là khèn, ngoài ra còn có trống, sáo, đàn môi. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, bà con còn giữ được những nét đẹp nghề truyền thống như làm vải lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong… Đặc biệt, vào dịp lễ hội hàng năm, nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc sẽ diễn ra, như giã bánh dày, các điệu múa, trò chơi dân gian như đánh cù quay, ném pao, leo cột…
Gần như tất cả đặc điểm, nét văn hoá truyền thống này đều được gói trọn trong không gian của Mong Space. Đến đây, du khách không chỉ "mắt thấy, tai nghe” mà còn được giao lưu, trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt văn hoá. Chị Phạm Thu Hà, du khách Hà Nội chia sẻ: Mình ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên với không gian văn hoá này, đó là hàng rào xếp bằng đá, cổng vào được ghép bằng những vật liệu tự nhiên tre nứa, việc bày trí tại các gian phòng cũng vậy. Nói chung chất Mông không lẫn vào đâu được. Trong dịp cùng gia đình lên đây trải nghiệm, các thành viên thấy vô cùng thú vị khi được nghe kể về nguồn gốc của người Mông, về nghề trồng lanh, dệt vải, các công đoạn làm giấy dó, nghệ thuật vẽ sáp ong từ lâu đời… Trong không gian này có một gian riêng trưng bày các sản phẩm truyền thống, nổi bật là những bộ trang phục truyền thống của người Mông được tạo ra từ cây lanh, có những bộ váy áo đã lưu giữ qua hàng trăm năm, trang phục giới thiệu tại đây được làm hoàn toàn thủ công, rất cầu kỳ và có giá hàng chục triệu đồng…
Chính thức khai trương và mở cửa từ tháng 4/2021, Mong Space là địa chỉ thu hút khách từ mọi miền trên cả nước đến để hiểu hơn về truyền thống văn hoá, hoà vào cuộc sống đời thường của người dân. Những ngày gần đây, điểm đến này tạm dừng đón khách để phòng, chống dịch Covid-19. Hy vọng tình hình dịch sớm được kiểm soát để du lịch hoạt động trở lại, không gian nơi đây sẽ là nơi hội tụ những người yêu mến văn hóa, du lịch vùng cao, mang đến những trải nghiệm thực tế nghề dệt vải lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, làm giấy giang, cách thức tạo nên những tác phẩm nghệ thuật và trải nghiệm dịch vụ thư giãn với phương pháp cổ truyền như tắm, ngâm chân bằng lá thuốc của người Mông.
Bùi Minh