Nhâm nhi với… mứt mãng cầu
Cập nhật: 05/01/2022
Ghé sạp bán trái cây để mua ít hoa quả thắp hương ngày mồng Một tháng Chạp, dù khách che khẩu trang kín mặt, nhưng chị chủ sạp vẫn nhận ra được người quen, vừa than bán buôn ế ẩm do dịch giã, vừa “ép” khách mua thêm món nọ món kia…, cuối cùng vị khách là tôi được khuyến mại thêm trái mãng cầu xiêm to bằng hai bàn tay người lớn đã chín rục.

Có mỗi trái mãng cầu mà trên đường từ chợ về nhà suy nghĩ tới mấy món: lột vỏ chấm muối ớt, xay sinh tố uống, làm sinh tố bịch để ăn dần…, nhưng cuối cùng thì chuyển sang làm mứt với lý do, trái to quá ăn một lần không hết, còn món sinh tố thì không thích hợp với thời tiết lạnh, dễ bị ho, viêm họng.

Dùng dao bén gọt sạch vỏ mãng cầu, gọt hơi sâu vào phần thịt một chút, đừng… hà tiện vì nếu còn dính lớp vỏ bên ngoài ăn có cảm giác như ăn phải sạn, cát. Gỡ bỏ hạt, tuy nhiên không cần gỡ sạch hết, cho phần thịt mãng cầu xiêm vào một cái rỗ thưa lỗ, kê trên miệng một cái thau sao cho phần đáy rỗ không chạm vào đáy thau, để một lúc cho thịt mãng cầu tiết nước, rỏ hết xuống thau, sau đó cân phần thịt mãng cầu xem được bao nhiêu để sử dụng lượng đường phù hợp. Thường thì mọi người hay làm mứt mãng cầu theo tỷ lệ 2:1, nghĩa là 2kg mãng cầu thì tương đương 1kg đường (lượng mãng cầu gấp đôi lượng đường), tỷ lệ này cho ra thành phẩm rất ngọt như… mứt ở chợ bán. Tuy nhiên, nếu làm ngọt quá sẽ mất ngon, chẳng khác gì ăn viên đường, do đó có thể giảm bớt đường nếu không thích ăn quá ngọt, hoặc mãng cầu có vị ngọt sẵn.

Sau khi cân được 1,1kg mãng cầu thì cho 300g - 350gr đường vào và tí xíu muối trộn đều, ướp 2 - 3 tiếng cho thấm, nếu chưa làm liền thì có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh để qua đêm, nhưng thỉnh thoảng nhớ trộn đều cho đường tan hết, ngấm vào mãng cầu. Khi nào có thời gian thì cho hỗn hợp vào chảo chống dính, bắc lên bếp sên lửa lớn, khi hỗn hợp sôi bùng thì hạ lửa vừa, đảo liên tục để tránh khét đáy. Sên đến khi mứt gần cạn, nặng tay thì chỉnh lửa thật nhỏ, thịt mãng cầu trở trong không còn trắng đục, nước đường cạn hết, hỗn hợp đặc sánh lại thì tắt lửa. Nhấc chảo ra khỏi bếp nhưng vẫn đảo liên tục tránh để hơi nóng còn lại làm khét đáy, đến khi mứt nguội thì đem ra phơi nắng. Nhớ dùng mang bọc, hoặc khăn vải mùng để che chắn ruồi, bụi. Trời nắng gắt thì phơi một ngày là được, còn thời tiết âm u thì tiếp tục phơi đến khi trong veo, dẻo, sờ thử, mứt không dính tay là được. Chuẩn bị sẵn một ít giấy gói kẹo, chờ mứt nguội hẳn rồi gói như viên kẹo, xoắn chặt hai đầu.

Là mứt nhưng không quá ngọt, có vị chua nhẹ, thoảng thơm mùi vị đặc trưng của mãng cầu xiêm, dùng để nhâm nhi rất ngon!

N.B

 

Báo Bạc Liêu