Điện Biên: Thúc đẩy du lịch Tuần Giáo phát triển
Cập nhật: 24/06/2022
Huyện Tuần Giáo có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều “địa chỉ đỏ”, cũng là vùng đất lưu giữ bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số. Vì thế, những năm gần đây huyện đã huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; mở ra cơ hội để người dân phát triển kinh tế; nhất là góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại điểm du lịch Pha Đin Pass (huyện Tuần Giáo).

Huyện Tuần Giáo được thiên nhiên ưu đãi với cảnh đẹp độc đáo, núi non hùng vĩ; điểm di tích lịch sử hấp dẫn du khách thập phương. Đặc biệt, huyện còn là nơi cư trú của nhiều dân tộc thiểu số với những sắc thái văn hóa truyền thống đặc trưng, hấp dẫn. Huyện hiện có Khu du lịch sinh thái đèo Pha Đin, khu sinh thái Tênh Phông, thác Mường Thín, hang động Mùn Chung, hang động Bản Khá, hang động Há Chớ, suối khoáng nóng bản Sáng... Du lịch lịch sử như: Di tích Đèo Pha Đin; hang Thẳm Púa, Khu căn cứ cách mạng Pú Nhung, di tích khảo cổ hang Thẳm Khương.

Ông Vũ Đức Lâm, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo cho biết: Những năm qua, du lịch Tuần Giáo đã có những bước phát triển nhanh, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách du lịch đến với các điểm du lịch còn hạn chế, nếu không muốn nói là rất ít.

Lý giải về nguyên nhân, theo ông Vũ Đức Lâm: Là huyện vùng cao, kinh tế chậm phát triển dẫn tới nguồn lực đầu tư vào du lịch còn hạn chế, sản phẩm du lịch chưa đặc sắc và đa dạng. Đồng thời, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch không nhiều (huyện có 20 cơ sở lưu trú với trên 250 buồng, phòng; 20 nhà hàng quy mô phục vụ 15 bàn trở lên); các di tích đã được xếp hạng và những điểm có tiềm năng phát triển du lịch chưa được đầu tư các công trình phụ trợ để phục vụ khách du lịch, chưa tạo thành tuyến và kết nối với các khu, điểm du lịch của các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Cùng với đó, hầu hết các điểm du lịch, danh thắng vẫn còn khá hoang sơ, chưa có sự đầu tư bài bản để phục vụ du khách. Người dân tại các điểm này chưa mạnh dạn đầu tư làm các dịch vụ du lịch khi chưa chắc chắn về lượng khách. Hiện tại họ chỉ bán thứ mình có chứ chưa cung cấp được thứ du khách cần. Đặc biệt, một số bản có các hoạt động có thể phục vụ về ẩm thực, văn hóa văn nghệ, tìm hiểu về văn hóa cộng đồng như: Bản Sáng (xã Quài Cang); bản Chiềng Chung, Chiềng Khoang (thị trấn Tuần Giáo); bản Lồng (xã Tỏa Tình); bản Có (xã Quài Tở)... nhưng chưa đủ điều kiện để công nhận bản văn hóa phát triển du lịch.

Để các tiềm năng du lịch này không dừng lại ở mức tiềm năng, trước nhất huyện Tuần Giáo cần quy hoạch các điểm du lịch, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm về phát triển du lịch phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, xu thế hội nhập. Khai thác du lịch trên cơ sở tôn trọng yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên; khai thác chiều sâu giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng Tuần Giáo. Xây dựng sản phẩm du lịch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, trong đó tập trung ưu tiên các nhóm: Sản phẩm du lịch sinh thái; du lịch văn hóa - lịch sử và nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng - làng nghề. Tiêu biểu như, huyện đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng quy hoạch khu du lịch nước nóng bản Sáng (xã Quài Cang) với diện tích 5,5ha gồm các hạng mục kinh doanh: Bể tắm khoáng, ăn uống, vui chơi, giải trí, nhà nghỉ, du lịch cộng đồng... Hay như giai đoạn 2022 - 2025 huyện lựa chọn bản Có, xã Quài Tở trở thành điểm du lịch cộng đồng đặc sắc; không gian giao lưu, sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống cũng như các yếu tố văn hóa lâu đời của người Thái. Đồng thời bố trí nguồn vốn xây dựng nhiều hạng mục quan trọng như: Bãi đỗ xe; nhà điều hành dịch vụ; hệ thống nhà lưu trú cộng đồng; thiết kế cảnh quan, các điểm check in, trồng cây xanh bóng mát; cải tạo tuyến đường nội bộ bản...

Ngoài ra, huyện cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng chuyên trang điện tử giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, điểm du lịch tiêu biểu; khuyến khích các hộ gia đình làm nông nghiệp phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn; có cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hình thành các điểm du lịch. Triển khai kế hoạch dài hạn trong việc khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia, cấp tỉnh nhằm đầu tư hạ tầng, các dịch vụ, phát triển nhân lực du lịch. Đồng thời, bảo tồn, phục dựng các loại hình văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống; hỗ trợ các hộ gia đình trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ khách và trang bị kiến thức kinh doanh loại hình du lịch Homestay, Farmstay. Từ đó, góp phần tạo tiền đề vững chắc để huyện tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành điểm đến du lịch an toàn và hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh.

Sầm Phúc

Báo Điện Biên Phủ - baodienbienphu.info.vn - Đăng ngày 23/6/2022