Gia Lai: Bảo tồn điệu múa dân gian
Cập nhật: 30/06/2022
Múa dân gian là một loại hình nghệ thuật khá phổ biến trong cộng đồng các dân tộc bản địa Trường Sơn-Tây Nguyên. Nếu như nghệ thuật cồng chiêng gắn bó với đời sống đồng bào Tây Nguyên cả trong chu kỳ sản xuất nông nghiệp lẫn vòng đời con người thì múa dân gian cũng không tách rời các sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là trong các dịp lễ hội truyền thống.

Nhiều điệu múa dân gian của các dân tộc bản địa Trường Sơn-Tây Nguyên có từ ngàn xưa, được sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, săn bắt hay bắt chước theo những loài chim thú quen thuộc của núi rừng. Từ đó, họ vận dụng vào trong từng động tác để thể hiện những cảm xúc vui buồn, cầu xin, đón nhận hoặc diễn đạt tư thế mạnh mẽ của chiến binh để đe dọa, tấn công kẻ thù… Sử thi Tây Nguyên thường nhắc đến những nhân vật anh hùng, tài giỏi bao giờ cũng biết múa Khiêl; các nàng hbia xinh đẹp biết dệt thổ cẩm tài hoa và múa dẻo. Có thể nói rằng, từ xa xưa, múa dân gian đã trở thành máu thịt của các thế hệ người dân tộc bản địa, là một loại hình nghệ thuật truyền thống đi vào đời sống văn hóa của các buôn làng Tây Nguyên.

Điệu múa Tân tung da dă truyền thống của dân tộc Cơ Tu ở vùng miền núi Quảng Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. Đồng bào Cơ Tu xem đây là vũ điệu thiêng được thể hiện trong các lễ hội: Mừng lúa mới, Mừng nhà mới hay các lễ hội cộng đồng khác. Các vũ nữ Cơ Tu trong lễ hội cầu mùa có động tác múa với đôi tay xòe lên trời thể hiện sự cầu xin, đón nhận sinh khí và hạt lúa của Yàng. Vũ điệu da dă uyển chuyển, từ tốn, linh hoạt còn được phụ nữ Cơ Tu thể hiện khi đón khách hay thể hiện niềm hân hoan trong các lễ hội của buôn làng. Riêng Tân tung là điệu múa mừng chiến thắng với tinh thần thượng võ mà các chàng trai Cơ Tu thường tái hiện trong cảnh đi săn với cường độ và tiết tấu sinh động. Có những lễ hội thu hút cả vũ nam và vũ nữ cùng múa trong dàn cồng chiêng, có trống chỉ huy dẫn đầu. Bấy giờ, điệu múa Tân tung da dă là chỉnh thể thống nhất mặc dù các động tác của nam và nữ khác nhau, một bên dịu dàng, uyển chuyển, một bên hùng dũng, mạnh mẽ nhưng vẫn nhịp nhàng với tiết tấu và đội hình trông hấp dẫn, đẹp mắt.

Cồng chiêng và vũ điệu xoang là phần không để tách rời trong lễ hội của người Bahnar. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Người Bahnar, Jrai, Ê Đê có điệu múa cổ Kông kor được phỏng theo tư thế bay lượn đẹp của chim Grưh (chim ưng) theo nhịp chiêng Arap, hát Ayray và nhịp trống H’gơr. Các dân tộc bản địa này xem chim Grưh là loài dũng mãnh, bay cao với những đường chao lượn đẹp mắt nên họ cho là loài chim thiêng mà con người có thể cầu xin để nó đưa linh hồn người quá cố về cõi Atâu hay có thể rước vong linh ông bà trở lại buôn làng thăm con cháu. Múa Grưh, người Ê Đê thường hay biểu diễn trong các lễ hội chúc phúc, cúng ghế Kpan với đội hình lẻ (5, 7, 9 người). Ở đây, dàn vũ nữ với vũ điệu giơ tay quá đầu thể hiện sự tôn kính Yàng. Người Bahnar, Jrai thường múa Grưh ở các lễ hội cúng nhà rông mới, cúng cây nêu… Họ dùng tay biểu diễn nhưng đưa tay không qua đầu. Nhịp tay đưa lên của vũ nữ thì tùy theo số cột nêu được dựng (nếu 3 cột thì họ đưa tay lên 3 lần).

Điệu múa cổ mà hầu hết các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên thường biểu diễn trong các lễ hội truyền thống là múa Khiêl thể hiện tinh thần thượng võ. Từ xa xưa, người Tây Nguyên đã phải chống chọi với thiên nhiên, kẻ thù để sinh tồn và bảo vệ buôn làng nên hình ảnh biểu diễn múa Khiêl của dàn vũ nam với đầy đủ khí giới, khiêl chống đỡ cùng những động tác mạnh mẽ, hùng dũng và dứt khoát thể hiện ý chí tiến công và chiến thắng. Múa Khiêl được sử dụng như một nghi thức trong lễ hội ăn trâu của người Bahnar, Jrai, Xê Đăng, nằm ngoài mục đích giải trí.

Bên cạnh đó, người Jrai còn có các điệu múa khá phổ biến trong cộng đồng như: xoang dung dai (dung dai là đưa đi đưa lại như chơi đu) phổ biến ở vùng Cheo Reo xưa của người Jrai Chor. Xoang dung dai có động tác đơn giản, mọi người nắm tay nhau nhảy theo tiết tấu vừa phải, di chuyển ngược chiều kim đồng hồ cùng tiếng chiêng Arap. Đây là điệu múa khá sôi nổi và lôi cuốn, thu hút được nhiều người tham gia. Bên cạnh đó, người Jrai còn có xoang vỗ tay, xoang vuốt tranh, xoang dung plak… Đối với cộng đồng Bahnar, họ chỉ sử dụng nghệ thuật múa trong môi trường lễ hội truyền thống. Nhảy múa chỉ xuất hiện khi các nghi thức lễ đã hoàn tất và phần hội là môi trường kích thích họ tham gia vui chơi. Ngoài các điệu xoang cổ nói trên, người Bahnar còn có các loại xoang như: xoang Samơk được tổ chức vào dịp trước vụ tuốt lúa hàng năm; xoang Pơsat tổ chức vào mùa lúa chín rộ; xoang Grong atâu tổ chức vào dịp có tang lễ…

Ngày nay, do nhiều nguyên nhân mà một số buôn làng Tây Nguyên không còn giữ được các phong tục truyền thống tốt đẹp cũng như các lễ hội độc đáo. Theo đó, nghệ thuật cồng chiêng và múa dân gian cũng bị mai một theo thời gian. Trong đó, những bài chiêng cổ hay điệu múa dân gian cổ có nguy cơ biến mất nếu như chúng ta không có hành động tích cực từ bây giờ. Thiết nghĩ, trước mắt, ngành chức năng nên tổ chức điều tra, sưu tầm, hệ thống lại các điệu múa dân gian của các dân tộc bản địa trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng đến các điệu dân vũ cổ có nguy cơ mai một, cần thiết lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản phi vật thể để bảo tồn, duy trì và phát huy trong đời sống đương đại. Ngoài ra, cần phổ biến rộng rãi một số điệu múa dân gian trong các trường vùng dân tộc thiểu số, các trường dân tộc nội trú để thế hệ trẻ nắm bắt, gìn giữ di sản của dân tộc mình.

Bùi Quang Vinh

Báo Gia Lai - baogialai.com.vn - Đăng ngày 29/6/2022