Thêu tay trên lá bồ đề
Cập nhật: 03/01/2023
Nghề thêu tay đang dần mai một trước sự phát triển của máy móc và công nghệ thêu máy, khiến nhiều người buộc phải dỡ khung thêu vì không thể sống được với nghề. Thế nhưng, khi cuộc sống hằng ngày càng hiện đại thì những giá trị truyền thống xưa lại đang được coi trọng và nhiều bạn trẻ hay các chị em lại có xu hướng muốn trở lại với những thú vui thời xưa, thuở họ còn thích thêu thùa, may vá.

Nghệ nhân thêu tay Quản Thị Cúc đang hoàn thiện sản phẩm. (Ảnh Thủy Nguyên)

Mới đây, tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022, nhằm giới thiệu tới người dân Thủ đô cũng như du khách cả nước các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng, sản phẩm làng nghề truyền thống có thiết kế mới, sáng tạo và đang được gìn giữ phát huy giá trị.

Vực lại nghề truyền thống

Tại Lễ hội, chúng tôi ghé thăm gian hàng của Doanh nghiệp Thêu tay Thu Cúc, nơi trưng bày các sản phẩm thêu tay truyền thống với nghệ thuật thêu, sáng tạo họa tiết tinh xảo trên các chất liệu khó, thay vì thêu trên vải thông thường. Đáng chú ý là các sản phẩm thêu tay trên xương lá bồ đề do nghệ nhân Quản Thị Cúc thực hiện được đông đảo du khách quan tâm, chọn mua.

Chị Cúc sinh ra tại làng nghề thêu tay xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã được mẹ dạy cho những mũi thêu đầu tiên. Mười tuổi, Cúc đã có thể tự thêu hoàn chỉnh một tác phẩm, hằng ngày giúp mẹ hoàn thành sản phẩm giao hàng cho khách. Nghề thêu gắn liền với tuổi thơ của chị từ đó, tuy nhiên, khi tình yêu với nghề lớn dần trong Cúc cũng là lúc nhiều người dân trong làng dỡ khung thêu vì không thể sống được với nghề. “Thêu rất vất vả, tốn nhiều thời gian công sức nhưng chẳng mấy người hỏi mua”, chị Cúc chia sẻ và cho biết từng người từ già đến trẻ bỏ thêu, bản thân chị vì mưu sinh cũng phải tìm đến công việc khác. Thế nhưng, tình yêu nghề lại thôi thúc chị không được bỏ kim xuống. Sáng đi làm, tối về chị lại lắp vải vào khung thêu tranh. Nhìn những tác phẩm mình vất vả làm ra và không muốn nghề thêu tay bị mai một rồi mất đi, chị Cúc trăn trở và quyết tâm tìm hướng đi mới.

Năm 2019, sau nhiều lần khảo sát các loại vật liệu thêu mới, chị Cúc nhận thấy lá bồ đề được nhiều người làm vật trang trí với ý nghĩa mang lại điều tốt đẹp, bình an, hạnh phúc cho chủ nhân, gia đình, chị nghĩ ngay đến việc thử thêu trên lá bồ đề.

Nói về lý do chọn lá bồ đề làm chất liệu thêu tranh 3D, nghệ nhân Quản Thị Cúc chia sẻ: “Mình chọn lá bồ đề vì độ bền cao, hình dáng giống trái tim mà trái tim thì thường ấm áp, mãnh liệt và dạt dào tình cảm, tượng trưng cho tình thương, sự từ bi của Đức Phật. Nó còn ẩn chứa bên trong ý nghĩa lớn như: lá bồ đề giúp tâm mình được che mát, soi sáng, thức tỉnh. Tôi muốn lá được tái hiện với một hình ảnh mới mẻ hơn”. Theo chị Cúc, để có một chiếc lá bồ đề đúng yêu cầu phải rất tỉ mỉ từ giai đoạn chọn lá, rửa rồi ngâm nước vôi trong 60 ngày để lấy xương lá. Sau đó, xương lá được chải sạch, giữ lại đường gân rồi đem đi phơi rồi mới đưa vào sử dụng. Trước khi thêu sản phẩm, nghệ nhân sẽ phải tìm mẫu thêu, phác thảo mẫu lên giấy, tạo hình thêu trên xương lá bồ đề, sau đó in mẫu lên lá rồi mới tiến hành thêu.

Việc thêu trên xương lá bồ đề có rất nhiều khó khăn. Chính vì khó nên ít người đủ kiên nhẫn và sự khéo léo để làm. Có học viên của chị Cúc mất gần ba năm mới có thể làm thành thạo sản phẩm vì xương lá rất mỏng manh, để thêu đẹp lại càng khó. Kim thêu phải chọn loại nhỏ nhất và chỉ thêu chỉ được một sợi để hạn chế làm rách lá.

“Để thêu đẹp, có hồn như bây giờ, tôi phải khổ luyện cả một thời gian dài và đã bỏ đi không biết bao nhiêu chiếc lá vì sai sót trong quá trình thêu. Nếu như thêu trên vải chất liệu cứng, mỏng, mềm thì mình có thể đổi chất liệu vải khác để thêu dễ hơn, nhưng thêu trên lá thì không thể thay đổi lá, mà bản thân mình phải thay đổi để từ lực kéo, đến cảm xúc khi ngồi thêu, nếu tinh thần không thoải mái do đang căng thẳng, bực tức thì cũng dễ làm rách lá. Hơn ba tháng rèn luyện tôi mới trở nên thành thạo, nhịp nhàng và nghệ thuật hơn với mỗi đường thêu vì thêu trên lá nét càng nhỏ, càng mảnh thì càng khó”, chị Quản Thị Cúc nói về những khó khăn khi thêu tranh 3D trên lá.

Theo nghệ nhân Quản Thị Cúc, thời gian hoàn thành một sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước lá và họa tiết sản phẩm. Đối với những lá nhỏ khoảng 5-6cm thường để sau ốp điện thoại di động sẽ làm trong một ngày, còn những sản phẩm mất cả tháng để hoàn thiện như đôi chim công, con hổ, cá chép hóa rồng, gà trống do phải thay đổi nhiều mầu chỉ, họa tiết phức tạp hơn. Đến nay, chị đã làm được hơn 100 mẫu, mẫu làm lặp đi lặp lại khoảng vài trăm lá. Vì kỳ công nên mỗi tác phẩm có giá dao động từ 400.000 đồng đến gần 7 triệu đồng.

Những sản phẩm tranh thêu trên lá bồ đề của chị chủ yếu được dùng làm quà tặng lưu niệm các dịp lễ, kỷ niệm đặc biệt, hoặc mang tính chất cá nhân, độc bản. Các sản phẩm này cũng đã có mặt ở nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Hà Lan,... đều là quà tặng của người Việt Nam dành cho người ở nước ngoài. “Mỗi bức vẽ đều gắn với một câu chuyện hay mong muốn của khách đặt hàng. Đối với tôi, sản phẩm nào hoàn thành cũng có ý nghĩa nhất định và tôi luôn trân trọng những tác phẩm đã làm ra.

“Giữ lửa” nghề thêu tay

Nghệ nhân Quản Thị Cúc cho hay, năm 2019, chị được Trung ương Hội Nghệ nhân cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu Nghệ nhân bàn tay vàng.Tháng 8/2022, chị nhận được danh hiệu Nghệ nhân quốc gia. Bản thân chị rất tự hào vì mình là nghệ nhân trẻ nhất trong ngành thêu tay truyền thống, có đóng góp cho việc giữ gìn và phát triển nghề. Chính vì thế, khi đã tìm được hướng đi cho nghề, chị lại tính đến việc phải lan tỏa tình yêu với nghề thêu tới cộng đồng. Ban đầu, chị quay clip dạy thêu và tải lên YouTube.

Số người xem và học theo ngày một đông, là gợi ý để chị mở các lớp dạy thêu trên kênh YouTube: Thêu tay Thu Cúc, hiện với hơn 25.500 lượt người đăng ký theo dõi. Sau khi xem các clip quay sẵn, học viên ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài sẽ đăng ký tham gia lớp học. Thông qua trang Facebook, chị trực tiếp hướng dẫn từ cách chọn kim, chọn vải, chọn chỉ đến cách thêu sao cho đẹp.

Đến nay, tuy nghề thêu tay chưa thể mang đến cho chị thu nhập quá lớn nhưng những giá trị nó mang lại còn vượt xa hơn thế rất nhiều. Con số hơn 3.000 học viên tham gia lớp học thêu tay online truyền thống do chị giảng dạy đã nói lên tất cả. Đó là chưa kể số học viên theo nghề và sống ổn định nhờ nghề cũng không ít.

Phần lớn các học viên của chị Cúc học để biết cách thêu, cũng phục vụ cho nhu cầu của bản thân. Có những học viên chia sẻ họ thích mặc áo có họa tiết thêu tuy nhiên giá thành quá cao, do đó học viên đã đăng ký học online để tự học và tự làm, giá thành rẻ hơn, thêu được nhiều mẫu, thậm chí lại thêu cho nhiều người khác nữa. Có học viên học để xả stress, tìm lại niềm vui sau những giờ làm việc căng thẳng hằng ngày. Ngoài ra, còn có rất nhiều lý do khác để học viên tìm đến chị Cúc học online nhưng đa phần phục vụ mục đích cá nhân của mình.

Khi được hỏi về dự định trong tương tai, nghệ nhân Quản Thị Cúc trải lòng: “Bảo tồn nghề truyền thống không phải là giữ nghề cho riêng mình mà nên gắng sức lan tỏa nghề đến với thật nhiều người. Một mặt, tôi vẫn sẽ tập trung nghiên cứu và tiếp tục cống hiến cho nghề thêu tay truyền thống những tác phẩm mới lạ, nghệ thuật; mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các học viên đang đồng hành cùng tôi hằng ngày có cuộc sống ổn định hơn.

Trong tương lai, tôi mong muốn mở một cửa hàng để có thể giới thiệu sản phẩm của mình đến với mọi khách hàng, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không phải là địa điểm mà là sản phẩm. Do làm đến đâu bán hết đến đó hoặc không có thời gian để làm sản phẩm có dư, nên muốn mở cửa hàng phải có một số lượng sản phẩm sẵn có đủ nhiều, đa dạng về mẫu mã trưng bày cho khách hàng thì mới đáp ứng được.

Ít nhất thì cho đến giờ nghệ nhân Quản Thị Cúc cũng đã giữ cho nghề thêu truyền thống không bị phai nhạt và mất đi giữa những xô bồ của cuộc sống công nghiệp hiện nay.

Tuấn Dũng

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 01/01/2023