Đặc sắc Hò Quảng Trị
Cập nhật: 03/02/2023
Quảng Trị là nơi hình thành, lưu giữ và đang thực hành rất nhiều điệu hò. Việc giữ gìn và lưu truyền các điệu hò không chỉ có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn có giá trị giáo dục về lịch sử, nguồn cội, ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội...

Hò là một loại hình dân ca cổ truyền của người Việt, chủ yếu ở miền Trung và miền Nam. Hò có đời sống lâu dài bởi gắn liền với động tác lao động, có thời gian trình diễn khá lâu, trong đó phần lớn liên quan đến lao động như việc đồng áng, chèo thuyền, kéo lưới trên biển hay trên sông,... Quảng Trị là đất đai khô cằn sỏi đá, nắng rát gió Lào, nhưng con người và dân ca, hò thì lại mượt mà, tha thiết, rung động lòng người.

Dựa trên các tiêu chí nhận diện cơ bản và tên gọi phổ biến, ở Quảng Trị có những điệu hò sau: hò giã gạo, hò ru con, hò đưa linh, hò nện, hò chèo đò, hò tập chèo, hò kéo buồm, hò đẩy nốc, hò mái nhì, hò mái ba, hò mái đẩy, hò mái duỗi, hò mái ô, hò đập bắp, hò đạp nước, hò đập đất, hò đẵn gỗ, hò kéo gỗ, hò bài thai, bài chòi, hò cấy lúa, hò xay lúa, hò quết vôi, hò ru em, hò hô dậy, hò hụi, hò khoan, hò lơ,…

Là một loại hình văn hóa phi vật thể ra đời khá sớm, hò hiện diện ở hầu khắp các làng quê ở tỉnh Quảng Trị như: làng Đại An Khê (xã Hải Thượng), làng Diên Sanh (xã Hải Thọ) huyện Hải Lăng; làng An Lưu (xã Triệu Sơn), làng Gia Độ (xã Triệu Độ), làng Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung) huyện Triệu Phong; làng Mai Xá (xã Gio Mai), làng Hà Trung (xã Gio Châu), làng Hà Thượng (thị trấn Gio Linh) huyện Gio Linh; làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), làng Lâm Cao (xã Vĩnh Lâm) huyện Vĩnh Linh, thôn Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị),... Chính sự kết tinh giữa tinh thần vươn lên và cảm xúc qua những bài hò lao động, được diễn đạt bằng giai điệu mượt mà, trau chuốt giàu sức biểu đạt, ẩn dụ đã làm nên những giá trị độc đáo của điệu hò Quảng Trị.

Hò giã gạo tại Quảng Trị phát triển thành hình thức nghệ thuật giải trí tập thể, kết nối các cư dân nông nghiệp với nhau.

Tiêu biểu cho các điệu hò vùng Quảng Trị là hò giã gạo (hò khoan). Hò giã gạo Quảng Trị hiện nay tập trung chủ yếu ở các làng gốc nông nghiệp thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, nếu xét theo hình thức thì gọi là hò giã gạo; xét theo nội dung thì có nhiều cách gọi khác như hò ân tình, hò đối đáp (đâm bắt) như đã nói ở trên.

Hò giã gạo là một sản phẩm văn hóa tinh thần phổ biến của cư dân Việt ở miền Trung Việt Nam, song, gắn với mỗi địa phương, mỗi vùng dân ca, hò giã gạo có những biến tấu nhất định về giai điệu, cách thức diễn xướng. Với Quảng Trị, hò giã gạo không đơn thuần là một hình thức ca hát tập thể gắn với môi trường đặc thù của cư dân nông nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình lao động, mà phát triển thành một hình thức nghệ thuật giải trí tập thể, nối kết giữa các thành viên trong một làng và liên làng. Đồng thời, từ đặc thù của một vùng đất giới tuyến, hò giã gạo còn có chức năng là một vũ khí tinh thần trong cuộc chiến bảo vệ quê hương của người dân Quảng Trị.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hò giã gạo cùng với một số làn điệu dân ca khác được các đội tuyên truyền văn nghệ xung kích diễn xướng trong hầm bí mật, địa đạo hay các vùng giới tuyến, nhằm động viên tinh thần quân sĩ bám trụ đánh giặc cũng như tuyên truyền vận động con dân Quảng Trị phục vụ cho quân đội địch trở về với quê hương (hò địch vận). Hình thức thể hiện này thường bí mật, tức thời và mang tính chính trị.

Sau kháng chiến, trong thời kỳ khai hoang phục hóa, tại các nông trường sản xuất, hò giã gạo được diễn xướng trong những giờ nghỉ giải lao của công – nông dân. Hò giã gạo, trong cách hiểu nào đó, quay trở về tính chất của hò lao động. Tuy nhiên, hò giã gạo được diễn xướng không gắn với hoạt động giã gạo như ban đầu, mà bất cứ dụng cụ nào có thể phát ra âm thanh cũng có thể thay thế nhịp chày. Hầu như tất cả những cung bậc cảm xúc của tình yêu đôi lứa (ngại ngùng, thắm thiết, ghen hờn, bội bạc, chia ly, cấm đoán của gia đình,…) đều có thể tìm thấy trong lời ca của hò giã gạo vùng Quảng Trị.

Đó là lời tỏ tình:

Gái làng Mai gặp trai Phú Hội,
Như bắp trổ cờ được gội mưa dông.

Hay sự nhớ nhung:

Đêm năm canh mơ màng bóng bạn,
Ngày sáu khắc tường dạng khóc thầm.
Nào ai nhắc đến bạn tri âm,
Ruột em đây đứt từng đoạn, gan bầm héo tim.

Đó còn là sự ghen hờn, trách móc:

Ở chi tệ lắm rứa em ơi,
Trao duyên nơi khác không phân giải đôi lời cho anh hay.
Em ở chi lòng dạ cải ngò,
Bán buôn khắp chợ, hẹn hò khắp nơi.

Hò giã gạo còn là cội nguồn cho sự ra đời của nhiều giai thoại thú vị trong kho tàng văn học dân gian, gắn với trí tuệ, tình cảm, tính cách đặc thù của người dân Quảng Trị, vốn chất phác, hóm hỉnh.

Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa di sản văn hóa phi vật thể “Hò giã gạo ở Quảng Trị” vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Với những đặc trưng riêng, hò giã gạo Quảng Trị góp phần tạo nên dấu ấn mang tính bản sắc của văn hóa Quảng Trị.

Hiện nay, Hò giã gạo vẫn tiếp tục đời sống của mình theo cách riêng trước những thay đổi của điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung ở lớp người già và trung niên thuộc tầng lớp lao động. Người trẻ, người làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp có xu hướng ngày càng ít hiểu biết hơn và ít thực hành hoặc không thực hành loại hình văn hóa phi vật thể này. Đó là xu thế mang tính tất yếu, không thể khiên cưỡng đòi hỏi tất cả các thành viên trong cộng đồng có cùng mức độ quan tâm đối với di sản của cha ông.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, việc giữ gìn và lưu truyền các điệu hò không chỉ có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn có giá trị giáo dục về lịch sử, nguồn cội, ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội; và cả giá trị khai thác, phát triển du lịch. Đối với các điệu hò có giá trị, cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo vệ và khai thác hữu hiệu vốn di sản văn hóa tinh thần này. Những giải pháp đưa ra cần mang tính đồng bộ với vai trò đặc biệt của nhà nước, các cơ quan hữu quan; việc năng động tìm kiếm nguồn kinh phí để hỗ trợ nghệ nhân và các lớp truyền nghề. Tuy nhiên, giải pháp mang tính lâu dài chính là giáo dục cho thế hệ trẻ và thường xuyên sáng tạo để vốn di sản truyền thống bắt nhịp với hơi thở của thời đại./.

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

Báo Đảng cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 02/02/2023