Đà Nẵng: Trợ giúp dân làm du lịch sinh thái
Cập nhật: 04/05/2023
Huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) hiện nắm giữ nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông thôn với nguồn khách du lịch đến địa phương ngày càng gia tăng. Nếu tổ chức và sắp xếp tốt thì đây là nguồn lợi lớn, sinh kế mới cho người dân nông thôn.

Mô hình khu sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ du lịch của ông Nguyễn Đức Tùng đang trong quá trình xây dựng

Huyện Hòa Vang được thiên nhiên ưu đãi về cảnh sắc đồi núi, khí hậu với nguồn tài nguyên sông suối đa dạng. Trước đây, đa phần người dân địa phương đều kiếm sống bằng nghề trồng rừng và làm nông nghiệp nhưng đời sống bấp bênh. Khi nhu cầu dã ngoại, du lịch sinh thái của người dân thành thị ngày một nhiều, người dân Hòa Vang đã làm nông nghiệp kết hợp du lịch, dịch vụ lưu trú, tiêu thụ nông sản và bước đầu đã mang lại những thành công. Từ khi du lịch phát triển, nông sản được tiêu thụ mạnh, mang lại thu nhập lớn cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Tùng, người có mô hình khu sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ du lịch tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), cho biết, ban đầu làm dịch vụ du lịch, ông cũng lo lắng do chưa có kinh nghiệm, nhất là tìm kiếm nguồn khách, nhu cầu khách,… Tuy vậy, khi mô hình này đưa vào hoạt động thì các loại nông sản như cây mía, cây lúa,… bán rất chạy vì du khách mua mang về sau chuyến dã ngoại.

Cũng như ông Tùng, nhiều hộ dân ở Hòa Bắc làm quán cà phê, quán ăn phục vụ những món ăn địa phương cũng đông đúc du khách, nhất là những ngày cuối tuần. Chính vì thế, chỉ trong vài năm trở lại đây, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch ở Hòa Bắc nói riêng và Hòa Vang nói chung đã mang lại cuộc sống đủ đầy cho người dân nơi đây.

Để giúp nông dân Hòa Vang “đổi đời”, phát triển bền vững, Huyện ủy Hòa Vang phối hợp với Sở Du lịch TP Đà Nẵng xây dựng đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hòa Vang. Đến nay, huyện Hòa Vang thí điểm phát triển 15 mô hình du lịch sinh thái gắn với phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tại huyện Hòa Vang với những quy định cụ thể.

Mô hình An Phú Farm đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng trước khi đưa vào hoạt động ngày 22/04/2023

Ông Dương Hiển Tú, chủ đầu tư mô hình An Phú Farm, cho biết, trước đây, nông trại tập trung vào sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi để cung cấp cho cửa hàng nông sản. Trong quá trình sản xuất, hàng tuần đều có những đoàn tham quan từ các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng đến tìm hiểu mô hình, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp. Đơn vị đón khoảng 4-5 đoàn học sinh/tháng. Sau khi trở thành mô hình thí điểm, đơn vị đã thêm một số hạng mục như: điểm dừng chân, khu ăn uống, điểm check-in, tham quan vườn rau… cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng chục nông dân địa phương. “Chúng tôi luôn nhận thức được việc giữ sản xuất nông nghiệp là cốt lõi của mô hình. Việc phát triển du lịch phải dựa vào tự nhiên theo cách bền vững chứ không thay đổi hiện trạng. Các hạng mục không được bê tông hóa, ảnh hưởng đến đất nông nghiệp và môi trường sinh thái chung”, ông Tú chia sẻ.

Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, đến nay huyện có 4 mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái được phê duyệt hoạt động, 6 mô hình khác đang được xem xét. Tùy theo lĩnh vực, các ngành chức năng giám sát theo bộ tiêu chí như không thay đổi mục đích, hiện trạng đất, rừng; không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp, không gây ô nhiễm nguồn nước; các hạng mục cơ sở vật chất được lắp dựng phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung. Không chỉ vậy, huyện hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch tại các khu điểm, nâng cao năng lực khai thác đối với dự án du lịch, hỗ trợ quảng bá hình ảnh và kết nối với các đơn vị lữ hành để giúp các mô hình phát triển bền vững.

Đồng chí Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, chia sẻ, trong quá trình triển khai các dự án, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Trong đó, lưu ý đối với các mô hình đã được triển khai thực hiện thí điểm, đảm bảo về vấn đề môi trường, an toàn du khách, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và hài hòa các lợi ích của cộng đồng. Về lâu dài, huyện Hòa Vang kiến nghị TP Đà Nẵng cho phép bổ sung vào quy hoạch chung của huyện đối các dự án hoạt động hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và của huyện nói riêng, nhất là mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế sẽ được chuyển đổi một phần diện tích đất hiện nay của dự án là đất có mục đích sản xuất nông nghiệp sang đất có mục đích thương mại dịch vụ để tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả kinh tế lâu dài hơn.

Xuân Quỳnh

Báo Sài Gòn Giải phóng - sggp.org.vn - Đăng ngày 04/05/2023