Khánh thành chánh điện chùa Khmer lớn nhất Việt Nam
Cập nhật: 15/03/2010
Từ ngày 12 – 14/3/2010, tại chùa Ghôsitaram (thuộc ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu ) đã diễn ra lễ kiết giới sima (khánh thành) ngôi chánh điện chùa Khmer lớn nhất Việt Nam.

Tại lễ khánh thành, chùa Ghôsitaram đã đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách tham quan, cầu phước, cúng dường. Cả ngày lẫn đêm, từng dòng người từ khắp nơi trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn tiếp tục đổ về chùa Ghôsitaram để tận mắt chiêm ngưỡng ngôi chánh điện đẹp nhất khu vực Nam Bộ và chứng kiến lễ kiết giới có ý nghĩa thiêng liêng do nhà chùa tổ chức. Đại diện hơn 200 chùa Khmer trong khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ là khách mời dự lễ hội này.

Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông, chánh điện là công trình thiêng liêng, là ngôi nhà dùng để thờ phụng đức Phật nằm ở trung tâm chùa, quay mặt hướng đông. Trong hầu hết các ngôi nhà trong chùa thì chánh điện là công trình kiến trúc đặc sắc và nổi bật nhất. Với đồng bào Khmer, đến chùa không chỉ để chiêm ngưỡng nét đẹp lộng lẫy của công trình chánh điện mà quan trọng hơn là họ được cúng dường, cầu may, tích phước tại lễ kiết giới ít có trong mỗi đời người.

Thượng toạ Trang Phương Thanh, Phó trụ trì chùa Ghôsitaram cho biết: Ngôi chánh điện đầu tiên của chùa được xây dựng vào năm 1860, do Hoà thượng Hao Ny đặt viên đá đầu tiên xây dựng và chính ngài là vị trụ trì đầu tiên của chùa.

Đến năm 2000, ngôi chánh điện ấy đã không còn an toàn cho việc sinh hoạt lễ hội Phật giáo. Ngày 11/11/2001, chánh điện chính thức được khởi công xây mới trên diện tích 427,5m2 với chiều cao 36,3m.

Cùng với xây dựng chánh điện, tín đồ, phật tử của chùa cũng quyết tâm xây thêm các công trình phụ khác gồm: đôi cột phướng, hai nhà tháp thờ hài cốt tập thể, nhà để ghe ngo... với tổng tiền đầu tư trên 10 tỷ đồng.

Kết quả của sự thành công này là sự nỗ lực to lớn của các nhà sư, tín đồ phật tử của chùa đã bỏ nhiều công sức, mồ hôi, của cải. Sự thành công đó bao gồm nhiều yếu tố cộng lại trong quãng thời gian gần 10 năm trời.

Toàn bộ công trình được xây dựng theo kiến trúc cổ kính kết hợp hài hòa với kiến trúc hiện đại, mang tính hài hòa giữa kiến trúc truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer với tinh hoa văn hóa dân tộc. Ngoài những ngọn tháp cao chót vót còn có hàng chục hình tượng con rồng được bố trí ở phần nóc.

Bên ngoài và phía trong được điêu khắc tỷ mỷ với hàng trăm hình tượng khác nhau theo truyền thuyết Tam Tạng Kinh của Phật giáo. Khắp nơi trong chánh điện đều được chạm trổ và đắp đường nét hoa văn phức tạp và độc đáo bằng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Khmer, tạo thành một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghệ nhân Danh Sà Rinh cho biết: “Để chạm trổ hoàn thành tất cả đường nét, hoa văn nghệ thuật cho ngôi chánh điện này, chúng tôi đã bỏ thời gian khoảng 4 năm ròng”. Theo ban quản trị chùa, kinh phí xây dựng chánh điện và các công trình phụ sử dụng từ nguồn vốn của chùa, của các nhà hảo tâm và vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Nhắc tới chùa Ghôsitaram, người ta không chỉ nghĩ đến các giá trị nghệ thuật thể hiện qua mỗi công trình mà ở đó còn là cái nôi của phong trào tu học trong giới sư sãi. Ngay từ những năm đầu 1980, chùa Ghôsitaram đã trở thành “trường chùa” đầu tiên của tỉnh dưới sự gây dựng của Hoà thượng Hữu Hinh, trụ trì chùa. Cũng chính nơi đây đã đào tạo thành danh hơn 3.500 tăng sinh và học sinh trong tỉnh và khu vực đang nối gót nhau cống hiến xã hội. Vì nhà chùa không chỉ là địa chỉ tu học, rèn đức luyện tài cho giới nhà sư mà có cả các lớp học bổ túc văn hoá cấp THCS, THPT đặt dưới sự quản lý của Trung tâm GDTX huyện Vĩnh Lợi. Ngoài ra, chùa Ghôsitaram còn là ngôi chùa có số lượng tín đồ trong tỉnh, từ Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Tây Ninh... đến đây tu học đông nhất với khoảng 70-80 vị mỗi năm.

Sự ra đời của ngôi chùa Ghôsitaram đã cho thấy ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng dân tộc Khmer trong tỉnh và trong vùng. Hiện tại và tương lai, chùa Ghôsitaram vẫn mãi là điểm sáng tô thắm nhiều hơn cho nền văn hoá, cho nét đẹp tín ngưỡng của đồng bào Khmer với phương châm “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”.
Báo Văn hóa