Hành trình qua các kinh đô Việt cổ
Cập nhật: 16/08/2010
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tiến hành khảo sát tour du lịch “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” để hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2010 và hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là chương trình du lịch chuyên đề mới nhằm khám phá những giá trị văn hoá lịch sử đặc sắc của một số kinh đô, cố đô Việt Nam qua các thời kỳ như đền Hùng (Phú Thọ), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), thành nhà Hồ và di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An), Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) và thành Hoàng Đế (Bình Định).

Dự kiến đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch từ tháng 10, mỗi chặng của cuộc hành trình sẽ là những trang sử ghi lại công lao to lớn của ông cha trong việc mở mang, xây dựng và bảo vệ đất nước, củng cố niềm tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau và là cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Điểm dừng chân đầu tiên của cuộc hành trình là khu di tích lịch sử đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì. Thủa xưa nơi đây là trung tâm của Văn Lang, nhà nước đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử, được thể hiện qua hàng chục các di chỉ khảo cổ học phân bố dày đặc từ huyện Lâm Thao tới ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì.

Là nơi thờ phụng các vua Hùng (các vị vua cai trị nhà nước Văn Lang), quần thể di tích đền Hùng bao gồm đền Hạ - tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con trai; chùa Thiền Quang; đền Trung - là nơi các vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước; đền Thượng - nơi các vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp; lăng vua Hùng thứ 6; đền Giếng thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa - con gái vua Hùng thứ 18; đền Tổ Mẫu Âu Cơ; đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và bảo tàng Hùng Vương với hơn 800 hiện vật và hình ảnh giới thiệu khái quát sự nghiệp dựng nước Văn Lang của các vua Hùng.

Tín ngưỡng thờ các vua Hùng và lễ giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch) đã trở thành lễ hội văn hoá - tâm linh lớn nhất trong toàn quốc để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao của các vua Hùng. Lễ hội đền Hùng hiện đã được Nhà nước nâng lên thành quốc giỗ, tổ chức lớn vào những năm chẵn.

Rời Phú Thọ đến với Hà Nội ngàn năm văn hiến, du khách sẽ được thăm kinh đô của Việt Nam thời Lý, Trần, Lê (từ thế kỷ thứ 11 đến 18). Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long với các cung điện nguy nga, lầu son gác tía tuy đã không còn nữa, song một số di tích và di vật hiện vẫn còn tồn tại cũng đã tái hiện phần nào diện mạo của hoàng thành xưa như Đoan Môn, Bắc Môn, rồng đá điện Kính Thiên, nhà con Rồng, Hậu Lâu, cột cờ Hà Nội và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Đặc biệt khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu nằm cách điện Kính Thiên 87m, là nơi xuất hiện dày đặc các dấu tích cung điện thời Lý, Trần, Lê. Khu di tích này có tầng dưới cùng là một phần phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường; tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần; tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm Thành Hà Nội thế kỷ 19. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật được rất nhiều những dấu tích kiến trúc quan trọng cùng một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong hoàng cung qua nhiều thời kỳ. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.

Ngày 31/7/2010 tại kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại Braxin, UNESCO đã quyết định chính thức công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.

Nằm cách Hoàng thành Thăng Long khoảng 100km về phía nam là Cố đô Hoa Lư, một quần thể di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến ba triều đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam là triều Đinh, Tiền Lê và Lý (thế kỷ thứ 10 và 11). Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, cố đô Hoa Lư đã thay đổi rất nhiều, đến nay còn lại dấu vết của nhiều đoạn tường thành xưa, đặc biệt có nhiều di tích liên quan đến các triều đại như: đền thờ vua Đinh, đền thờ vua Lê cùng một số đền, chùa và di tích khác.

Đền vua Ðinh được xây dựng vào thế kỷ 17, trên nền cung điện chính năm xưa, thờ vua Đinh Tiên Hoàng và các con của ông. Đền vua Lê nằm cách đền vua Ðinh chừng 500m, thờ vua Lê Đại Hành, hoàng hậu Dương Vân Nga và vua Lê Ngọa Triều – con thứ 5 của vua Lê Đại Hành. Điều đặc biệt ở đền vua Lê là nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Tại đây người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cùng một số gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này đang được lưu giữ tại bảo tàng phía trái khu đền.

TIếp tục cuộc hành trình, du khách sẽ đến thành nhà Hồ ở Thanh Hóa. Lịch sử ghi lại rằng, với mong muốn lập ra triều đại mới cho mình và tránh sự xâm phạm của kẻ thù, vào năm 1397 Hồ Quý Ly đã cho xây dựng thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô) chỉ trong vòng 3 tháng. Nét đặc sắc của thành nhà Hồ là phần bên trong tường thành được đắp bằng đất, bên ngoài ốp đá xanh. Những phiến đá này được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, gắn chồng khít lên nhau, có chiều dài trung bình 1,5m, có tấm nặng tới 15-20 tấn. Trong điều kiện lúc bấy giờ, bài toán xây dựng thành vẫn còn là một bí ẩn lớn cho các nhà nghiên cứu và sử học.

Qua hơn 600 năm trường tồn, nơi đây vẫn còn lưu lại nhiều hiện vật và dấu tích kiến trúc độc đáo cho thấy sự sáng tạo tinh tế và tinh thần lao động cần cù của cha ông ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước như: la thành, tường thành và bốn cổng thành, hào bao quanh thành nội; dấu vết nền móng các kiến trúc cung điện, dinh thự bên trong thành nội; con đường đá từ cửa Nam thành đến đàn Nam Giao; phế tích đàn Nam Giao ở núi Đốn Sơn.... Hiện nay tại cổng Nam thành nhà Hồ, Ban Quản lý di tích thành nhà Hồ đã cho mở một phòng trưng bày hàng trăm hiện vật tìm thấy ở ngôi thành cổ này, trong đó có hàng chục viên bi đá lớn, nhỏ được cho là phương tiện để vận chuyển đá xây dựng thành.

Thành nhà Hồ, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, công trình kiến trúc vững chắc, đồ sộ, độc đáo, đang được đề nghị để UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ngoài thành nhà Hồ, Thanh Hóa còn có một khu di tích gắn liền với tên tuổi Lê Lợi, người anh hùng áo vải có công to lớn lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc Minh, khởi đầu sự nghiệp triều đại Hậu Lê là khu di tích Lam Kinh. Sau khi lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Thăng Long, Lê Lợi đã cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành lớn thứ hai là thành điện Lam Kinh hay còn gọi là thành Tây Kinh. Hiện nay thành điện Lam Kinh còn sót lại một số di tích như cổng vào của hoàng thành, dấu vết nền móng của Ngọ môn, sân rồng, khu chính điện và khu Thái Miếu. Ngoài ra trong khu di tích Lam Kinh còn có đền thờ Lê Lợi và cụm lăng mộ các vua nhà Lê gồm: vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thái Tông, vua Lê Thánh Tông, vua Lê Hiến Tông, vua Lê Túc Tông và Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao. Trong đó lăng của Lê Thái Tổ được đặt ở điểm huyệt quan trọng nhất, các lăng còn lại nằm ở hai hướng đông và tây. Hàng năm, cứ đến ngày 20, 21 và 22/8 âm lịch, lễ hội Lam Kinh lại được tổ chức theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê cùng những trò chơi dân gian truyền thống của xứ Thanh, thu hút đông đảo du khách tham gia.

Một người anh hùng áo vải khác là vua Quang Trung – Nguyễn Huệ cũng đã cho xây dựng ở quê hương Nghệ An một kinh thành vào năm 1788, lấy tên là Phượng Hoàng Trung Đô. Thành mới xây được 4 năm thì Quang Trung đột ngột từ trần, không kịp thực hiện việc dời đô. Tuy nhiên, Phượng Hoàng Trung Đô vẫn được xem như một cố đô của Việt Nam bởi theo tài liệu còn để lại, vào các năm 1789, 1791, 1792 vua Quang Trung đã nhiều lần ngự giá và tổ chức ngự triều ở đây. Trải qua thời gian và năm tháng chiến tranh, Phượng Hoàng Trung Đô giờ chỉ còn là phế tích. Nhằm tưởng nhớ và ghi dấu công lao của vị anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, đền thờ vua Quang Trung đã được xây dựng trên nền của thành Phượng Hoàng xưa. Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim, hệ thống kết cấu được chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Lối đi, sân đền được lát đá Thanh Hóa tạo nên vẻ uy nghi. Đền có nhà bia, tả vu, hữu vu, tiền đường, hậu đường, nghi môn. Đây là công trình mang tính đặc thù văn hóa - tâm linh, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Khác với Phượng Hoàng Trung Đô, Cố đô Huế - thủ phủ xứ "Ðàng Trong" của các chúa Nguyễn - lại bảo tồn được hầu như nguyên vẹn các quần thể kiến trúc bên trong. Cố đô Huế được xây dựng trên diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi 3 vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Hệ thống thành quách ở đây là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây. Kinh Thành được xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành vào năm 1832, gồm có 10 cửa để ra vào. Trải qua hơn 200 năm, khu kinh thành hiện nay còn hầu như nguyên vẹn với gần 140 công trình xây dựng lớn nhỏ. Hoàng Thành là nơi đặt các cơ quan cao nhất của chế độ quân chủ và là nơi thờ tự các vua chúa đã quá cố. Hoàng Thành có 4 cửa để ra vào, riêng Ngọ Môn chỉ dành để cho vua đi và hơn 100 công trình kiến trúc đẹp. Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, dành riêng cho vua và gia đình vua. Thành có chu vi khoảng 1.230m, bao gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ và 7 cửa ra vào. Không những thế, Huế còn có bảy khu lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn, mỗi lăng mang một sắc thái riêng nhưng đều là những kỳ công tạo tác của con người phối hợp với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp và thơ mộng.

Ngoài ra Huế còn nổi tiếng bởi các giá trị văn hóa phi vật thể như festival Huế và đặc biệt là nhã nhạc cung đình. Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 nhưng đến thời nhà Nguyễn thì đạt đến độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất. Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 1993 và đến năm 2003 thì Nhã nhạc cung đình đã được công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Điểm dừng chân cuối cùng của cuộc hành trình là thành cổ Hoàng Đế ở tỉnh Bình Định. Thành được xây dựng dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya vào cuối thế kỷ 10. Đến năm 1775, thành được triều đại Tây Sơn xây dựng lại, mở rộng về phía đông tới 15 dặm và được chính thức gọi tên là Thành Hoàng Đế từ năm 1778. Thành Hoàng Đế không lớn nhưng có nét đẹp riêng và đặc biệt là mang đậm kiến trúc Chămpa với ba vòng thành: thành nội, thành ngoại và Tử Cấm Thành. Hiện nay, thành Hoàng Đế vẫn còn lưu giữ được một số di tích như lầu Bát Giác, hòn Giả Sơn, hồ tắm hình bán nguyệt, giếng cổ bằng đá ong, một số tượng lân đá, và đặc biệt là ngọn tháp Cánh Tiên từ thời Chămpa. Thành Hoàng Đế được coi như một di sản độc nhất vô nhị của Việt Nam khi đã từng là kinh đô của hai vương quốc Chămpa và Đại Việt.

Hành trình qua các kinh đô cổ nằm dọc theo chiều dài của đất nước sẽ tạo ra sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương để hình thành nên một sản phẩm du lịch đặc sắc, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững.

(Bài: Thúy Hằng, ảnh: Thành Nam, Huy Hoàng)

Trung tâm Thông tin Du lịch