Tranh gương – di sản độc đáo triều Nguyễn
Cập nhật: 25/08/2010
Tranh gương (hay tranh kính) là một di sản khá đặc biệt, vừa có tính vật thể vừa mang tính phi vật thể, mang bản sắc đặc trưng của mỹ thuật cung đình Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo của chúng. Tất cả các tranh gương có giá trị còn lại hiện nay đều do triều Nguyễn để lại và đang được trưng bày tại bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, cung Diên Thọ, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, điện Huệ Nam, chùa Báo Quốc, khoa sử Đại học Khoa học Huế và bộ sưu tập riêng của ông Trần Đình Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh).

Hiện nay đang có rất nhiều nhận định về xuất xứ và cách thức du nhập tranh gương cung đình Huế vào Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu đều có ý kiến cho rằng tranh gương cung đình Huế có nguồn gốc từ Trung Quốc, do triều Nguyễn đặt hàng tại các cơ sở sản xuất tranh gương dân gian ở vùng Hoa Nam. Tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng, khá cầu kỳ. Các nghệ nhân dùng chất liệu là bột màu pha keo hoặc sơn để vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương (vẽ kiểu âm bản ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản). Theo chủ đề nội dung và giá trị mỹ thuật thì tranh gương cung đình Huế được chia thành 3 loại chính:

- Tranh cao cấp là loại tranh mô tả, ca ngợi các cảnh đẹp của Huế và vịnh các mùa trong năm đi kèm với thơ ngự chế. Hầu hết những tranh này đều sử dụng bảng màu lạnh. Hiện nay tại Huế còn lại khá nguyên vẹn 40 bức tranh gương cao cấp.
- Loại tranh không có thơ ngự chế nhưng có đề rõ chủ đề tranh. Đây là loại tranh minh họa cho các điển tích trong lịch sử của Trung Hoa, thường được vẽ bằng màu đỏ ấm.
- Loại tranh vẽ tĩnh vật thì chỉ xoay quanh hai chủ đề chính là bát bửu cổ đồ và các loại hoa quả.

Mặc dù là một loại hình tranh rất độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của mỹ thuật cung đình Huế thời Nguyễn, nhưng đến nay tranh gương cung đình vẫn chưa có sự quan tâm đầu tư và bảo tồn đúng mức. Việc nghiên cứu nguồn gốc và kỹ thuật làm tranh gương cung đình có thể đưa ra nhiều ý kiến cho việc bảo tồn và phục hồi công nghệ làm tranh.

Thúy Hằng

Trung tâm Thông tin Du lịch