Một số lễ hội truyền thống tiêu biểu
Cập nhật: 10/01/2007
* Hội Hích

Lễ hội diễn ra hàng năm vào ngày 15 tháng 1 (âm lịch - rằm tháng giêng) tại xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Trần, lễ mẫu Liễu Hạnh, mẫu Tứ Phủ. Trò chơi ném còn, đấu cờ, hát lượn, hát then của các dân tộc Tày, Nùng.

* Hội làng Cơm Hòm

Lễ hội hàng năm được tổ chức vào ngày 6 tháng 1 (âm lịch) tại đình làng Tiên Phong, Phổ Yên, cách thành phố Thái Nguyên 25km về phía nam. Tương truyền, đình thờ một người đàn bà vô danh có công bày mưu đánh giặc Minh thời Hậu Lê. Lễ hội có nhiều trò vui của nhân dân địa phương; trong đó, có tục thờ xôi nén trong hòm.

* Hội chùa Phủ Liễn

Diễn ra hàng năm từ 10-15 tháng giêng (âm lịch), tại phường Hoàng Văn Thụ, Tp. Thái Nguyên. Lễ phật cầu phúc, cầu tài, các trò chơi chọi gà, đánh đu, cờ tướng, bình đọc thơ văn…

* Hội chùa Hang

Diễn ra tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Lễ hội cầu phúc, cầu tài, chiêm ngưỡng thắng cảnh, chơi hang, leo núi và có các trò chơi: ném còn, chọi gà, kéo co, thi hát.

* Hội đình Phương Độ

Diễn ra tại xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Hội có rước kiệu Thành Hoàng Dương Tự Minh, diễn trò, tế Thánh mừng dân, cầu phúc, cầu tài, lễ vật, chọi gà...

* Hội chùa Hang

Diễn ra hàng năm từ 18 đến 24 tháng giêng (âm lịch) tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Hội lớn, hàng năm đón tới hàng chục vạn lượt khách tham quan, dự hội. Lễ hội có rước kiệu, lễ phật cầu phúc, cầu tài, hái lộc, leo núi, chơi hang, ném còn, hát quan họ, kéo co...

* Hội Núi Văn - Núi Võ

Diễn ra hàng năm vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch) tại 2 xã: Văn Yên và Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Lễ hội tưởng niệm tướng quân Lưu Nhân Chú đã có công cùng với Lê Lợi đánh gịăc Minh ở thế kỷ thứ 15. Lễ hội có rước kiệu, nhiều trò chơi dân gian và hiện đại.

* Hội đền Lục Giáp

Diễn ra hàng năm vào ngày 15 tháng 3 (âm lịch) tại xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Lễ hội tưởng niệm các danh nhân: Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú, Đỗ Cận, gắn với ngôi đền qua các thời kỳ lịch sử. Lễ hội có dâng hương, tế lễ, rước kiệu, hát ví, đấu cờ, đấu vật...

* Lễ hội Lồng Tồng

Lồng Tồng là một lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào Tày, được tổ chức trong các bản làng để cầu cúng thần nông - vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành. Theo nghĩa tiếng dân tộc Tày, Lễ hội Lồng Tồng có nghĩa là Lễ hội "Xuống đồng".

Lễ hội Lồng Tồng có một lịch sử rất lâu đời. Nhiều chuyện cổ tích truyền lại từ bao đời nay đã nói về lễ hội này. Nhà thơ Tỗ Hữu đã viết câu thơ thật hay về ngày hội này.

                                               "Áo em thêu chỉ biếc hồng
                                      Mùa xuân ngày hội Lồng Tồng thêm vui"

Lễ hội hàng năm thường được diễn ra trong suốt thời gian tháng giêng, tháng hai âm lịch (tuỳ thuộc theo từng địa phương) trên những thửa ruộng, cánh đồng, bãi rộng. Lễ hội có các trò chơi cổ truyền dân gian như: tung còn, đánh yến, bịt mắt bắt dê, hát giao duyên (hát lượn), thi sản vật địa phương…

Trong những năm gần đây, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao và cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày diễn ra càng sôi nổi, phong phú hơn, đảm bảo các yếu tố văn hoá dân gian,  đã thu hút du khách cả nước đến tham quan, dự hội ngày một đông hơn.

* Lễ hội đền Xương Rồng diễn ra vào mùa thu (20 tháng 8 âm lịch hàng năm tại phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên. Lễ hội có rước kiệu, trò tế thánh, tưởng niệm đức thánh Trần Hưng Đạo, Mẫu Liễu Hạnh, Tứ Phủ, hội có nhiều trò chơi truyền thống, hiện đại.

* Lễ hội đình Xuân La được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 (âm lịch) tại xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đình thờ Thành Hoành Dương Tự Minh. Lễ hội có rước kiệu, rước bánh dầy, ăn mừng cơm mới sau vụ gặt.
Sở Thương mại và Du lịch Thái Nguyên