Tham quan bảo tàng quốc gia - sống lại cùng lịch sử dân tộc
Cập nhật: 11/09/2010
Đất nước Việt Nam đã trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm ấy, đã có những sự kiện mang tính bước ngoặt đánh dấu quá trình dựng nước, sự đổi thay và trưởng thành của đất nước hay những cuộc chiến tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc… Tất cả những thời khắc trọng đại ấy đều được ghi dấu trong lịch sử và sống mãi cùng dân tộc nhờ những hiện vật còn lưu giữ tại các bảo tàng quốc gia cho đến ngày nay. Trước thềm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tham quan hệ thống bảo tàng quốc gia là dịp để ôn lại lịch sử của dân tộc, lịch sử của thủ đô, để tự hào hơn về đất nước với thủ đô nghìn năm văn hiến.

Hiện nay, nước ta có 127 bảo tàng, trong đó có 7 bảo tàng quốc gia và đa số đều được đặt ở Hà Nội như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh,… Với hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng với những hiện vật chân thực và sống động, các bảo tàng đã cung cấp cho người xem những tư liệu quí giá về những chặng đường phát triển của đất nước qua các thời kỳ.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Nằm ở số 1 phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là nơi lưu giữ những hiện vật phản ánh nền văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam từ thuở ban đầu khai sáng đến ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 (từ năm 1976 là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) . Thành lập ngày 3/9/1958 trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finot do người Pháp xây dựng năm 1926 và hoạt động vào năm 1932, công trình là tác phẩm để đời của Charles Batteur - kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp.

Hệ thống trưng bày của Bảo tàng rộng khoảng 2000m² được chia thành nhiều không gian cho các tuyến tham quan theo chủ điểm và thứ tự thời gian lịch sử. Mở đầu là những phòng giới thiệu di tích thời Tiền sử đã tìm được ở nhiều nơi khác nhau trên đất nước Việt Nam, bao gồm các di tích từ Đồ Đá cũ cách ngày nay hàng chục vạn năm đến thời đại Đá mới cách ngày nay khoảng 4000 - 5000 năm.

Tiếp theo là phần trưng bày về nền văn minh của người Việt cổ ở thời các vua Hùng dựng nước. Những di tích trưng bày phong phú sẽ tái hiện cho chúng ta thấy sự phát triển liên tục và rực rỡ của nền văn hoá cổ Việt Nam từ hậu kỳ thời đại đồ đồng phát triển đến sơ kỳ thời đại đồ sắt có niên đại cách ngày nay khoảng 2000 năm. Đặc sắc nhất là những hiện vật thuộc văn hoá Đông Sơn trong đó có những chiếc trống đồng tiêu biểu.

Suốt hai nghìn nǎm lịch sử Việt Nam là hai nghìn nǎm liên tục chống giặc ngoại xâm. Các tấm ảnh chụp những đình, miếu, lǎng mộ, thành quách, các chân dung danh nhân, danh tướng, các vǎn kiện, danh ngôn, các hiện vật gốc... tất cả nói lên ý chí quật cường của dân tộc bằng tiếng nói riêng, với sức thuyết phục riêng của chúng.

Đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một dịp để tìm hiểu quá trình dựng nước và giữ nước lâu đời của dân tộc.

Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tọa lạc tại 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, là nơi trưng bày những hiện vật giới thiệu về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, Phát xít Nhật, Đế quốc Mỹ (từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1975); giới thiệu công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Được thành lập tháng 1/1959, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sử dụng trên 2.100 hiện vật, hình ảnh, tư liệu trong 29 phòng với tổng diện tích 1.500 m². Nội dung trưng bày gồm ba phần: Phần thứ nhất: Thời kỳ đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam từ 1858 đến 1945; Phần thứ hai: Cuộc kháng chiến chống các thế lực xâm lược để bảo vệ độc lập, thống nhất tổ quốc từ 1945 đến 1975; Phần thứ ba: Việt Nam trên con đường xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh từ 1975 đến nay.

Ngoài ba phần chính nói trên, Bảo tàng sử dụng hai phòng (phòng số 28 và 29) trưng bày Bộ sưu tập “Tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam” với gần 300 hiện vật nguyên gốc. Điều này thể hiện sự biết ơn sâu sắc của toàn thể nhân dân Việt Nam và sự trân trọng của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã làm nên những trang sử vàng chói lọi cho Cách mạng Việt Nam.

Đến Bảo tàng Cách mạng, quý khách còn được xem những tư liệu rất quý như: Bộ sưu tập về những nǎm hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch và các vị lãnh tụ khác; sách báo của Đảng xuất bản vào thời kỳ 1920 – 1945; Những hiện vật quý và hiếm như: cờ Đảng nǎm 1930, cờ đỏ sao vàng nǎm 1941; bộ sưu tập vũ khí có lưỡi mác của đội xích vệ ở Nghệ An nǎm 1930, súng khai hậu của du kích Bắc Sơn (1941), nỏ của nhân dân Trà Bồng (Quảng Ngãi) khởi nghĩa nǎm 1958, bệ phóng tên lửa bắn tan xác máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội tháng 12/ 1972...

Bảo tàng Lịch sử Quân Sự Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trước đây gọi là Bảo tàng Quân đội, tọa lạc tại số 28A Điện Biên Phủ, quận Ba Đình. Bảo tàng mở cửa lần đầu vào dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam – 22/12/1959.

Trong tầng một của khu bảo tàng có 3 gian phòng: Phòng đầu tiên nói về lịch sử quân ta từ thời kỳ các vua Hùng đến khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938. Hiện vật chủ yếu là: Dao, kiếm ở thời Đồ Đá, Trống đồng Heger 3; Các cuộc khởi nghĩa chủ yếu trong thời kỳ Bắc thuộc; Tượng Ngô Quyền; Lược đồ trận chiến trên sông Bạch Đằng.

Phòng ở giữa có tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các hình ảnh trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1858-1945).

Phòng cuối trưng bày những hiện vật nói về các cuộc chiến đấu từ nhà Lý đến nhà Nguyễn: Lược đồ trận đánh trên sông Như Nguyệt chống quân Tống lần 2; Ba cọc chông từ sông Bạch Đằng được sử dụng trong trong cuộc chiến chống quân Mông Cổ lần thứ 3 do Trần Hưng Đạo lãnh đạo; Tranh vẽ trận chiến chống quân Mông lần thứ 3; Mô hình pháo dùng trong chiến tranh Trịnh - Mạc; Tranh vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân nhà Thanh; Mô hình pháo trong thế kỉ 16 - thế kỉ 18 được tìm thấy tại bến Hàm Rồng.

Đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự, người xem sẽ được tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển và lớn mạnh của Quân đội Việt Nam qua các thời kỳ. Rất nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử được trưng bày tại đây. Thông qua những hiện vật gốc trung thực, độc đáo, Bảo tàng thực sự trở thành một trung tâm văn hoá, lịch sử, một địa điểm hấp dẫn đối với khách tham quan nghiên cứu về lịch sử quân sự Việt Nam.

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Ngoài các bảo tàng về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, chúng ta còn có bảo tàng riêng để tưởng nhớ công lao to lớn của vị lãnh tụ, vị cha già kính yêu của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm ở khu vực quảng trường Ba Đình, phía sau Lǎng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được khánh thành ngày 19/5/1990, đúng vào dịp kỷ niệm 100 nǎm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ðây là tòa nhà cao 20,5m gồm 4 tầng với tổng diện tích sử dụng là 10000m². Công trình được thiết kế như một bông hoa sen nở, tượng trưng cho phẩm chất thanh cao, trong sáng của Hồ Chủ tịch. Phần trưng bày của Bảo tàng rộng gần 4000m2 giới thiệu hơn 117.274 hiện vật gốc, hình ảnh phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam và thế giới từ cuối thế kỷ thứ 19 đến nay. Tầng trưng bày gồm 3 không gian chính: gian long trọng, phần trưng bày tiểu sử và phần trưng bày các đề mục mở rộng. Tất cả những hình ảnh nhắc nhở chúng ta phải cố gắng nỗ lực không ngừng để xây dựng đất nước, giữ gìn những trang sử đẹp đẽ mà Người cùng với biết bao thế hệ cha anh đã xây dựng nên.

Nhân dịp kỉ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta có dịp đến thăm các bảo tàng quốc gia để sống lại không khí lịch sử trang trọng, hào hùng của những ngày đầu dựng nước, giữ nước và cũng là để thắp những nén tâm nhang gửi đến những vị anh hùng đã có công gìn giữ và bảo vệ đất nước. Như vậy có thể nói bảo tàng chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai giúp thế hệ trẻ không quên cội nguồn dân tộc; đồng thời đó cũng là nơi bảo tồn những giá trị lịch sử tốt đẹp giúp cho những trang sử ấy sáng mãi trong lòng dân tộc.

                                                                                                            Phạm Phương biên tập

Trung tâm Thông tin du lịch