Thác Bản Ba ở Tuyên Quang
Cập nhật: 30/05/2007
Thác Bản Ba trên triền núi Phiêng Khàng, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) là danh thắng vừa được xếp hạng thắng cảnh quốc gia.

Con thác hùng vĩ mà thơ mộng tôn thêm vẻ đẹp nguyên sơ của khu rừng nguyên sinh gồm cả hệ sinh thái núi đá vôi và núi đất, giàu có và đa dạng với rừng nhiệt đới còn đủ năm tầng xanh quanh năm, phong phú các loài cỏ cây, chim thú, côn trùng...

Thác Bản Ba bốn mùa ầm ào vang động do lấy nước từ nguồn cao 1.000m núi đá Khau Nhoi thuộc đất Bắc Quang, Hà Giang, ào ạt đổ nước qua triền núi Phiêng Khàng để tràn xuống thung lũng bằng phẳng Bản Ba. Thác Bản Ba đẹp độc đáo bởi là cả chuỗi thác liên hoàn, với ba tầng thác lớn Tát Củm, Tát Cao, Tát Gió cùng lúc đổ nước thẳng đứng từ độ cao hàng chục mét xuống lòng thác, và điểm xuyết thêm nhiều thác nhỏ. Dòng nước bạc lại chia thành các khe, nhánh tỏa rộng ra chung quanh, trữ nước vào nhiều vực, thoạt nhìn như những ao, giếng thiên tạo mặt nước như gương xanh biếc da trời.

Thám hiểm rừng già là thú vui dành cho những khách yêu thiên nhiên hoang dã. Rừng Bản Ba bạt ngàn, thâm u, bí ẩn, lạ mắt, bất ngờ. Những cổ thụ tuổi hàng thế kỷ, tầng tầng cành lá che kín ánh mặt trời, dây leo như những con trăn khổng lồ quấn quanh trông kỳ dị.

Đồng bào Tày, Nùng, Dao... ven sườn đồi, núi và trên thung lũng Bản Ba hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu nét mới lạ phong tục, văn hóa một vùng núi rừng Việt Bắc từng là "Thủ đô gió ngàn". Đồng bào vẫn giữ nhiều nét đẹp của nếp sống, văn hóa cổ truyền, những điệu hát đối đáp "sli" nồng nàn, hát lượn trữ tình trong tiếng đàn tính nhặt khoan, những lễ hội nhiều trò vui dân dã.

Rồi đến văn hóa dân gian lâu đời, trước hết là huyền thoại, khiến cho thác Bản Ba càng lung linh kỳ ảo. Chuyện rằng: Làng Lạc Bạn - nơi đầu thác - có từ lâu đời lắm, do đôi trai gái phương xa đến mở mang, khai phá, qua nhiều đời thành làng xóm đông đúc, trù phú. Làng có lệ thi tài hằng năm để khuyến khích tài năng và lòng quả cảm của các lứa đôi. Ðó là thi vượt thác Lạc Bạn, lúc ấy còn nhỏ thôi, nhưng rất dốc. Thác thì xiết mà bè nứa và sức người chèo chống mong manh, quá nhiều người thi bị nước cuốn đi mất tích. Nước mắt thương xót của dân làng chảy quá nhiều thành thác lớn như ngày nay. Lệ thi vượt thác cũng bãi bỏ.

Lại thêm truyền thuyết về cây dong lá đỏ, kể rằng: Ngày xưa chúa Cả Lượng cai quản đất này, tắm thác gặp rồng quấn mây hồng, liền cưỡi rồng bay ngược các tầng thác, tới đầu nguồn thì rồng lặn vực sâu, chúa gặp bày tiên nữ thách đấu cờ. Chúa thắng, được tiên tặng cho đôi hài nghìn dặm. Nhờ thế, chúa học ở kinh đô nhưng đêm đêm vẫn "bay" về gặp vợ mà mẹ chúa không hay biết. Thấy con dâu có mang, mẹ chúa khép tội ngoại tình. Rửa oan, tối nọ, vợ chúa giấu một chiếc hài làm chứng. Sáng ra, chúa đành lên kinh bằng một chiếc hài tiên, chiếc kia đắp bằng đất sét. Lội thác, hài đất sét tan, chúa vào học muộn. Vua đuổi học, chúa lỡ lời bất kính, bị vua cho quân đuổi theo trị tội. Chúa Cả Lượng chạy về hóa thân làm chiếc cột nhà. Lính cưa cột ngang tầm vai, chúa hóa thân lại thành người, đầu lìa khỏi cổ, phép mầu cũng không thể gắn lại. Máu chúa thấm đất, mọc thành dong lá đỏ. Chúa được dân thờ làm thành hoàng. Vậy nên đến ngày nay, giống dong lá đỏ vẫn sinh sôi, mà chỉ rừng Bản Ba mới có...
Nhân dân